Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ổn chính trị tại Trung Đông: Tái diễn kịch bản Libya?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 20/8, cột mốc 5 tháng Mỹ và phương Tây phát động chiến dịch can thiệp tại Libya được đánh dấu bằng cuộc chiến khốc liệt ngay trong lòng Tripoli - thành lũy của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Libya: Gọng kìm siết chặt

Ông Abdel Hafiz Ghoga, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) cho biết: “Giờ G đã điểm và quân nổi dậy ở Tripoli bắt đầu đứng lên. Đây là một kế hoạch được sắp đặt trước để quân nổi dậy đến từ phía Đông, phía Tây và phía Nam phối hợp với lực lượng ở bên trong Tripoli”. Trong khi đó, một quan chức cao cấp khác của NTC tuyên bố nhiều đơn vị ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi đang tháo chạy khỏi Tripoli. Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Omran Abukraa đã quyết định không trở về Libya sau khi đi công tác ở Italia và Abdel-Salam Jalloud, nguyên là nhân vật số 2 của chế độ Gadhafi cũng vừa chạy sang hàng ngũ nổi dậy. Đặc biệt, các chiến đấu cơ của NATO đang tăng cường hoạt động tại hai địa điểm ở Tripoli, vùng phụ cận Tajoura và gần sân bay Matiga nhằm làm rối loạn lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi. Mặc dù thừa nhận “một vài nhóm vũ trang đã lẻn vào được Tripoli”, chiến đấu với những nhóm nhỏ bao gồm vài chục người, nhưng Chính phủ của ông Gaddafi cho biết Thủ đô vẫn “ổn định và an toàn”. Hiện, tình hình chiến sự ở bên trong Tripoli vẫn chưa được xác định rõ ràng do hai bên luôn đưa ra các thông tin trái ngược nhau nhưng việc quân nổi dậy áp sát Tripoli trong vài ngày qua cho thấy, căn cứ của ông Gaddadfi đang dần bị siết chặt.

Syria: Một Libya thứ 2?

Nhiều khả năng cuộc chiến tạiLibya chưa kết thúc thì vấn đề tại Syria lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên sau gần nửa năm diễn ra phong trào “Mùa xuân Arab” khiến ít nhất 2.000 người Syria thiệt mạng, Mỹ và đồng minh mới lên tiếng đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Mỹ vàEU cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nhằm cô lập chính quyền của ông Assad về kinh tế. Mặc dù Mỹ và đồng minh không có lợi ích cốt lõi tại Syria nhưng tình hình bất ổn tại đây sẽ có tác động dây chuyền đến Iraq, LebanonIsrael. Bạo lực leo thang vài ngày qua tại Dải Gaza cũng như động thái sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp của các nước có chung biên giới với Syria thời gian gần đây đã chứng minh lo ngại của Mỹ hoàn toàn có cơ sở.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương can thiệp tại Syria, kịch bản từng được Mỹ và đồng minh sử dụng cho Lybia đang tái diễn. Trước hết là lên án các cuộc trấn áp người biểu tình của chính quyền Assad mà phương Tây miêu tả là “tội ác chống lại loài người”. Sau đó là quá trình kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, áp dụng các biện pháp cấm vận và một Nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ) sẽ mở đường cho chiến dịch quân sự hợp pháp tại Syria. Nhằm chuẩn bị cho kịch bản trên, Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha với sự ủng hộ của Mỹ, Tây Ban Nha, Italia đã soạn thảo một dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm trừng phạt chính phủ của ông Assad. Ngoài ra, sự ra đời của Ủy ban Cách mạng chung Syria (SRGC) hôm 19/8 đã đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực can thiệp Syria của phương Tây.

Tuy nhiên, trong bài toán Syria, vấn đề mà phương Tây cần phải giải quyết chính là lợi ích của Nga và một số đồng minh của Damascus. Các chuyên gia cho rằng, rất khó để Moscow đồng tình với kêu gọi Nga ngừng bán vũ khí cho chính quyền của ông Assad mà không đưa ra điều kiện bù đắp nào của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Nếu ngừng cung cấp vũ khí cho Syria theo mong muốn của Washington, Moscow sẽ mất khoảng 4 tỉ USD và làm mất uy tín của một nhà cung cấp vũ khí tin cậy cho thế giới Arab giàu tiềm năng.