Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ổn từ cuộc chiến thương mại, giá vàng vẫn lao dốc?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (3/7), giá vàng thế giới có phiên giảm mạnh. Chuyên gia và các tổ chức kinh tế thế giới nhận định chính sách bảo hộ thương mại mậu dịch của Chính phủ Mỹ đang tác động mạnh đến các nền kinh tế, trong đó có Mỹ. Đáng ra, nó sẽ hỗ trợ vàng đi lên nhưng lại làm cho kim quý lao dốc mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.241 USD/oz, giảm 12 USD so với chốt phiên trước.

Lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.239 USD/oz, cũng giảm 12 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm hơn 2 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.

Cùng chiều với đó, sáng nay vàng SJC trong nước cũng giảm nhưng mức giảm khá dè dặt. Vàng nhẫn giảm mạnh trên 100.000 đồng/lượng.

Cụ thể, mở cửa phiên lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua-bán tại TP Hồ Chí Minh quanh mức 36,66-36,85 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng một lượng so với chốt phiên trước.
 Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh đến 170.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Ảnh minh hoạ.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua-bán ở Hà Nội quanh mức 36,66-36,87 triệu đồng một lượng, giảm 40.000 đồng một lượng so với chốt phiên trước.

Cùng lúc giá vàng SJC được Tập đoàn Doji niêm yết mua – bán ở mức 36,68-36,78 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Giá vàng SJC được Công ty Phú Quý niêm yết ở mức 36,68-36,78 triệu đồng/lượng, cũng giảm 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Vàng nhẫn sáng nay giảm giá đến 170.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Cụ thể, vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng được Tập đoàn Doji niêm yết lúc 8 giờ 30 ở mức 34,75 – 35,15 triệu đồng/lượng giảm giá 170.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán giãn ra thêm 200.000 đồng/lượng nâng từ mức 400.000 lên 600.000 đồng/lượng.

Nhẫn vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua – bán đầu giờ sáng nay ở mức 35,33 – 35,78 triệu đồng/lượng ngang giá so với chốt phiên trước, chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của công ty này là 450.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Phú Quý 24K hôm nay được Công ty Phú Quý niêm yết mua – bán ở mức 35,1 – 35,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của đơn vị này 400.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn VIETNAMGOLD cũng giảm 100.000 đồng/lượng, mua - bán ở mức 35,1 – 35,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán ở mức 400.000 đồng/lượng.

Theo dõi trên biểu đồ thị trường vàng quốc tế và trong nước, hiện nay giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm. Vàng SJC trong nước có đơn vị Doji sau khi giảm giá 20.000 đồng, lại điều chỉnh tăng giá về mức chốt phiên trước 36,7 – 36,8 triệu đồng/lượng chỉ sau gần 30 phút giao dịch. Vàng nhẫn thì Doji lại giảm thêm 10.000 đồng/lượng so với giá mở cửa.

Theo nhận định của chuyên gia, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đang làm dấy lên lo ngại bất ổn kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo: Nếu Mỹ duy trì chính sách bảo hộ thương mại, có thể Mỹ sẽ bị thâm hụt tới 300 tỷ USD. Một số nhà phân tích khác lại cho rằng: Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ thương mại ngành thép có thể 1 việc làm được tạo ra ở đây thì nước này lại mất đến 200 việc làm mới ở ngành khác.

Theo lẽ thông thường khi bất ổn kinh tế gia tăng thì vàng là điểm tựa tốt nhất cho dòng tiền đầu tư. Nhưng tại thời điểm này nhà đầu tư không những không mua vàng mà còn đẩy mạnh bán vàng ra. Bởi lẽ, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc nâng lãi suất đồng USD của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tác động tiêu cực lên các đồng tiền. Trong đó, tháng 6 đồng USD đã tăng 1,53% giá trị so với tháng trước đó và cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngược lại đồng Nhân dân tệ đã mất giá 3,3% chỉ trong tháng 6 so với đồng USD. Đồng rupee Ấn Độ giảm mạnh nhất mất hơn 7% kể từ đầu năm.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đang làm đồng USD đắt đỏ, dẫn đến nhiều nhà đầu tư quay ra bán vàng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và tích trữ USD thay vì vàng. Nếu vẫn diễn ra tình trạng này thì đồng USD tiếp tục được mua mạnh và vàng mất đi vị thế dự trữ vốn khi nền kinh tế bất ổn.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng, vì sản phẩm hàng hoá của nền kinh tế toàn cầu đang phải định giá lại bởi giá nhiên liệu là xăng dầu và chi phí bảo hộ mậu dịch tăng cao. Như vậy, khi hình thành các thái cực tranh chấp thương mại nó tác động tiêu cực vào thị trường sẽ gây bất ổn và có thể nhấn chìm các nền kinh tế, khiến cho vàng có giá hơn đồng tiền.