Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt tay ngay vào việc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rộn ràng, náo nhiệt nhưng lại rất đầm ấm và yên bình, đó là những cảm nhận của hầu hết người dân cả nước nói chung, TP Hà Nội sau Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP Hà Nội xem bản đồ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Dương Giang  
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP Hà Nội xem bản đồ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Dương Giang  

Không khí Tết ấy đã tạo thêm niềm hứng khởi để bước vào một năm mới với những kỳ vọng mới, mục tiêu mới cao hơn.

Sau những năm trầm lắng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những ngày đầu năm mới vừa qua, mỗi người đón Tết trong không khí dường như vui hơn, tưng bừng hơn. Tại Hà Nội cho thấy, dù những khó khăn vẫn còn, sức mua hàng hóa có giảm khi người dân thắt chặt chi tiêu nhưng với sự quan tâm của TP, các đoàn thể, tổ chức đến người dân ở mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh đã giúp cho “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

Điển hình như TP đã dành tới 554 tỷ đồng để tặng trên 1 triệu suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cũng trao tặng hàng chục nghìn suất quà Tết cho nhiều gia đình khó khăn. Những món quà có thể chưa đủ đầy nhưng mỗi người đều cảm nhận rõ tình người ấm áp trong mùa Xuân mới. Trên địa bàn có hơn 1.200 địa điểm bán hàng phục vụ ngay từ sáng mùng 1 Tết; các hoạt động vui chơi, lễ hội được mở trở lại, tạo không khí Xuân an vui hơn.

Cảm nhận về sự yên bình còn thấy được khi những con số thống kê về tai nạn giao thông, về cháy nổ, về an ninh trật tự đều giảm hoặc không xảy ra. Để có được điều ấy, chính bởi cách triển khai quyết liệt, bài bản từ những quy định liên quan đã được ban hành đến thực tiễn.

Điển hình như việc quản lý pháo nổ và không lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia, từ TP đến các ngành, địa phương đã tập trung triển khai bằng nhiều giải pháp, từ việc ký cam kết đến từng tổ dân phố, hộ gia đình không sử dụng pháo nổ, đến việc mở “chiến dịch” tăng cường kiểm tra, cương quyết xử lý các trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Những việc làm này được người dân rất đồng tình, ủng hộ, từ đó đã tạo thành ý thức tự thân, tự giác của mỗi người, mỗi nhà.

Mùa Tết đi qua, tinh thần “bắt tay ngay vào việc”, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật công vụ cũng được thể hiện rất rõ trong các chỉ đạo từ T.Ư đến các địa phương, đơn vị, sở, ngành. Tại các đơn vị của TP, không khí khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mọi hoạt động diễn ra bình thường, thông suốt... đã thể hiện rõ trong ngày làm việc đầu năm.

Không tổ chức du Xuân liên hoan sa đà, lãng phí; không đi lễ hội trong giờ hành chính…, những thông điệp ấy tiếp tục quán triệt kỹ. Từng nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện ngay khi được giao đến từng cấp, từng ngành với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và rõ việc.

Một năm mới đã đến cùng với những mục tiêu mới cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước. Trong đó, kỷ cương, kỷ luật là động lực thành công, từ một cái Tết bình yên, bước vào một mùa Xuân mới, nhiều người kỳ vọng rằng, với những chỉ đạo quyết liệt, cách làm bài bản từ T.Ư đến địa phương, việc siết kỷ cương trên mọi lĩnh vực kể cả trong hoạt động công vụ hay những vấn đề liên quan đến đời sống sẽ phát huy tác dụng trong thực tế, hình thành ý thức trách nhiệm từ mỗi người dân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh.

Đây chính là hành động cụ thể, thiết thực nhất góp phần làm nên thành công cho năm 2023, thực hiện thành công chủ đề năm của Chính phủ là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" và của TP Hà Nội là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.