Bất thường giá vàng trong nước ngày càng đắt so với thế giới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, khi giá vàng thế giới chững lại thì trong nước tiếp tục tăng. Điều này dẫn đến việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới ngày càng lớn. Hiện trên thị trường chỉ có duy nhất SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất.

Vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 12 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới chững lại dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, giảm tới 3,6% trong tuần này, đóng cửa tuần ở mức 1.791,8 USD/ounce. Trái ngược với diễn biến thế giới, giá vàng miếng trong nước lại tăng vọt trong tuần. Cụ thể, sau khi giảm mất mốc 60 triệu đồng trong 2 phiên đầu tuần, giá vàng miếng đã phục hồi nhanh trở lại và kết tuần ở mức 60,05 triệu/lượng (mua) và 60,9 triệu/lượng (bán). Như vậy, giá vàng miếng SJC vẫn tăng 400.000 đồng trong tuần.

Giá vàng trong nước liên tục đắt hơn thế giới từ 9 - 11 triệu đồng/lượng trong 1 tháng qua. Ảnh minh hoạ

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn khoảng 11,5 - 11,7 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới quy đổi liên tục tăng những ngày gần đây, khi giá vàng trong nước thường xuyên giảm chậm hơn, nhưng tăng nhanh hơn so với giá quốc tế cho dù thị trường không sôi động. Ngay trong tuần trước, khi giá vàng SJC vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, gần với đỉnh cũ đã lập được, không khí mua bán vàng tại các TP lớn trong đó có Hà Nội vẫn diễn ra vô cùng ảm đạm.

Lý giải cho việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân đến từ việc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012. Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; NHNN là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. NHNN đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều này khiến giá vàng miếng SJC luôn có giá trị hơn các loại vàng khác. 

Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 Nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN.

Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, NHNN quản lý nguồn vàng nhập khẩu, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. NHNN chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới khiến cho nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam VGTA Huỳnh Trung Khánh, nhu cầu vàng nữ trang tại Việt Nam trên dưới 20 tấn một năm. Do đó, khi giá vàng thế giới rớt mạnh, giá trong nước giảm không đáng kể. Thứ nữa, có hiện tượng đầu cơ, một số DN đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. "Biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ ngày càng nới rộng hơn nếu giá vàng quốc tế tiếp tục lao dốc" - ông Huỳnh Trung Khánh nhận định.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ Trần Thanh Hải cũng phân tích, nguồn cung vàng độc quyền bởi NHNN nên thị trường vàng hiện giờ cạnh tranh không hoàn hảo. Việc siết chặt đường biên và các vụ buôn lậu vàng cũng khiến nguồn cung kim loại quý ngày một hạn chế. 

Vàng miếng mua bán hiện nay là từ người giữ vàng bán ra. Nguồn này lại có hạn, những lúc bán ít, mua nhiều, tiệm vàng đẩy giá lên cao, rủi ro cho người mua, có lợi cho người giữ vàng. Do đó, giá vàng thế giới lao dốc là thời điểm càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng.

Kiến nghị phá thế độc quyền 

Sau đúng 1 năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, trong phiên giao dịch cuối năm vào 29/12/2012, giá vàng SJC leo lên ngưỡng 45,8 - 46,4 triệu đồng/lượng theo sau những biến động của giá vàng thế giới. Nhưng chính vào thời điểm này, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới vọt tăng lên 4,6 triệu đồng khiến không ít người dân có nhu cầu mua vàng và các nhà đầu tư tỏ ra hụt hẫng.

Bước sang đầu tháng 11/2021, giá vàng miếng trong nước một lần nữa lập kỷ lục mới khi có thời điểm tạo khoảng chênh lệch tới 9 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới và tới tuần cuối cùng tháng 11/2021, chênh lệch giá đã lên tới gần 12 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từng được ghi nhận tính từ thời điểm ngày 10/7/2012, khi Thông tư 16 của NHNN hướng dẫn thi hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực.

 Tang vật vụ án buôn lậu vàng qua biên giới tỉnh An Giang (Ảnh: Lao động)

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhiều lần đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Về vấn đề này, NHNN khẳng định tiếp tục kiên định với những chính sách, kết quả đạt được trong thời gian qua. Theo NHNN, vàng miếng và vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý nghiêm ngặt. 

Hiện, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện chỉ vào khoảng 49,2 triệu/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng miếng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 23,8% so với thế giới. Việc đi ngược của vàng trong nước với quốc tế đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước dễ thua lỗ dù dự báo được xu hướng tăng của kim loại quý. Hơn nữa, giá vàng thế giới càng tăng thì khoảng cách với vàng miếng SJC càng kéo giãn kỷ lục, tới trên 11 triệu đồng/lượng, đẩy mọi rủi ro cho khách hàng.

Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) Nguyễn Ngọc Trọng nhận định, thị trường vàng hiện rất dễ bị làm giá. Bên cạnh chênh lệch giữa giá mua và bán vàng rất lớn, có thời điểm ở mức trên 1 triệu đồng/lượng, người mua bán vàng còn có thể chịu thiệt do giá vàng trong nước chênh quá lớn với giá vàng thế giới. "Quy mô thị trường vàng hiện nay rất nhỏ nên việc làm giá rất dễ. Các DN vàng luôn đặt ngưỡng phòng thủ rất cao nên rủi ro cuối cùng rơi vào người mua bán vàng” - ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.

Trong khi đó, trên các diễn đàn về vàng vẫn xuất hiện các cảnh báo về vàng nhái SJC. Một tiệm vàng cho hay khi thu mua vàng miếng đã phát hiện có 3 lượng vàng SJC nhái trộn vào. Vàng nhái SJC vẫn là miếng vàng thật nhưng không phải do Công ty SJC sản xuất. Miếng vàng này nhái về hình thức bao bì như kích thước, cỡ chữ, dập nổi… giống đến trên 90% so với miếng vàng SJC sản xuất nên bằng mắt thường rất khó phân biệt.  

Một vấn đề nữa đặt ra khi khoảng cách giãn rộng giữa giá vàng trong nước và quốc tế là nguy cơ buôn lậu vàng. Những tháng gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu vàng tại các khu vực biên giới Tây Nam. Vì vậy, cơ quan chức năng cho biết đã phải tăng cường các biện pháp quản lý và thực hiện kiểm soát tại khu vực đường biên, lối mở.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới càng lớn sẽ khiến người mua chịu thiệt thòi. Vì vậy, rất cần có giải pháp để làm cho giá vàng trong nước liên thông, tiệm cận với quốc tế.

Hiện nay, dù thị trường vàng không còn nóng sốt như nhiều năm trước nhưng cơ chế quản lý vàng vẫn không thay đổi, vì vậy khó nói trước giá vàng miếng SJC còn tăng tới đâu. Nhiều quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ban hành cách nay gần 10 năm đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ, trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Chính vì vậy, cần sửa đổi nghị định này theo hướng cởi trói cho DN, giúp thị trường ít biến động và cũng không gây tác động lên tỷ giá ngoại tệ. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội VGTA Huỳnh Trung Khánh

Mua vàng vật chất tại Việt Nam sẽ ít sinh lời, kể cả khi xu hướng tăng giá duy trì sang năm 2022. Bởi giá vàng trong nước chủ yếu nằm trong tay người người bán, không đi theo quy luật thị trường nên sẽ có độ rủi ro cao hơn. 

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần