Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Quốc hội Italia: Bế tắc!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xen giữa buổi tường thuật trực tiếp từ những điểm bỏ phiếu, các cuộc biểu tình trên khắp lãnh thổ Italia được nhiều kênh truyền hình cập nhật liên tục đã phần nào cho thấy thái độ của cử tri đối với cuộc bầu cử quan trọng nhằm đưa quốc gia này thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng nợ công.

Sự không tin tưởng của cử tri vào các chính trị gia không chỉ thể hiện qua con số 72,5% công dân đi bỏ phiếu, mức thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Italia được thành lập sau Thế chiến thứ II mà còn đẩy Italia rơi vào tình trạng rối loạn, khi không một đảng phái nào dành đủ số ghế cần thiết để chủ động thành lập Chính phủ. Theo kết quả kiểm phiếu, đảng Dân chủ (DP) của ông Pier Luigi Bersani đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện, trong khi đảng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi không thể chiếm đa số tại Thượng viện và buộc phải chia ghế với đảng M5S do diễn viên hài Beppe Grillo thành lập.

Bầu cử Quốc hội Italia: Bế tắc! - Ảnh 1

Ông Pier Luigi Bersani, lãnh đạ đảng Dân chủ, bỏ phiếu tại thành phố Placenza hôm 24/2. Ảnh: AP

Sự bất phân thắng bại giữa các đảng phái trong một cuộc bầu cử kéo dài 2 ngày (24 - 25/2) đã đẩy Italia rơi vào tình thế không có người chèo lái trong vài tuần tới trước khi các đảng hoàn thành cuộc "mặc cả" để thành lập Chính phủ liên minh. Hiện, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi giành được 117 ghế tại Thượng viện, thấp hơn so với 119 ghế thuộc liên minh cánh tả của ông Bersani, 59 ghế của đảng M5S và 20 ghế của nhóm các nhà kỹ trị trung dung do Thủ tướng tiền nhiệm Mario Monti đứng đầu. Ngay cả khi liên minh cánh tả của ông Bersani chấp nhận bắt tay với ông Monti cũng không thể hội đủ 158/315 ghế tại Thượng viện để giành quyền thành lập Chính phủ.

Giữa lúc chính trường Italia đang "nổi sóng" bởi những cuộc công kích lẫn nhau và đe dọa yêu cầu kiểm phiếu lại, các nhà đầu tư tỏ ra "nhạy cảm" hơn trước tình trạng bế tắc tại quốc gia này có thể đẩy Eurozone rơi vào giai đoạn suy thoái mới như đã diễn ra sau cuộc bầu cử Hy Lạp tháng 7/2012. Đồng Euro đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần qua trong khi chỉ số thị trường chứng khoán của một loạt nước châu Âu đã đồng loạt giảm điểm. Tất cả những diễn biến trên là sự phản ánh một cách chân thực về sự chán ngán các chính sách thắt lưng buộc bụng của người dân Italia, đặc biệt là của những thanh niên trẻ, vốn được gọi "thế hệ thất bại" do không thể tìm được việc làm. Vì thế, Chính phủ tiếp theo của Italia dù được thành lập theo phương thức nào cũng đều phải giải quyết được hậu quả mà các biện pháp cắt giảm chi tiêu để lại, sau đó mới có thể tính đến bài toán "phục sinh" nền kinh tế đã rơi vào 2 thập kỷ trì trệ theo đúng cam kết với cử tri.