Ông cũng khẳng định, nếu VFF giao ĐT cho mình thì chắc chắn sẽ vượt qua Thái Lan. Nhưng, nếu nhìn vào mô hình bóng đá mà bầu Đức đang theo đuổi thì sẽ thấy nó chưa hoàn toàn chuyên nghiệp.
Chiến thắng không thực chất
Phát biểu trước báo giới, bầu Đức cho rằng, đội bóng trẻ mà các cầu thủ của ông là nòng cốt đã 3 lần đánh bại Thái Lan. Từ cơ sở này, ông chủ HAGL phản ứng dữ dội về thất bại của ĐT Việt Nam do HLV Miura dẫn dắt. Bầu Đức cho rằng HLV Miura không thành công trong việc xây dựng một lối chơi có bản sắc. Lối chơi của đội cũng thiếu sự ổn định do không trọng dụng những cầu thủ của HAGL.
Tuy nhiên, bầu Đức sẽ không vui khi biết rằng U21 Thái Lan mà U19 HAGL từng đánh bại không phải là hàng hiệu. Hay nói đúng hơn là người Thái đã cho bầu Đức việt vị khi chỉ mang sang Việt Nam một đội hình không phải là mạnh nhất. Họ tuyển chọn một đội bóng sang Việt Nam thi đấu làm hài lòng đối tác chứ không phải để ganh đua. Những cầu thủ tốt nhất đã không có trong thành phần U21 Thái Lan sang Việt Nam thi đấu. Bằng chứng rõ nhất là chỉ có một vài cầu thủ từng thua lứa công Phượng đang thi đấu ở Thai League và U23 Thái Lan.
Vậy đã rõ, người Thái rất khéo léo luôn biết làm hài lòng đối tác. Họ cũng không nặng nề về sự thắng - thua ở những đấu trường không quyết định. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, các nhà chuyên môn của Thái Lan đã cố tình bẫy bóng đá Việt Nam khi chỉ tung ra đội hình vừa phải. Vậy nhưng, chiến thắng không thực chất ấy lại khiến người làm bóng đá Việt Nam như lên đồng. Họ coi đó là căn cứ để xác định tài năng của một lứa cầu thủ và tầm vóc của vị HLV trưởng. Và với lăng kính đánh giá sự việc như thế, những người hiểu chuyện cho rằng còn rất lâu nữa, bóng đá Việt Nam mới vượt qua được Thái Lan.
Cần một mô hình
Bóng đá Việt Nam cần một mô hình chứ không cần một trận thắng, một đội bóng. Những người tỉnh táo cho rằng, đổ lỗi cho thất bại của một nền bóng đá vào vị HLV trưởng là không công bằng và không giải được bài toán của nền bóng đá. Người ta cần một giải pháp tổng thể thay vì những quyết sách mang tính tình thế. Các nhà chuyên môn cho rằng, để vượt qua Thái Lan thì thay HLV thôi là chưa đủ. Bóng đá Việt Nam cần một chiến lược dài hơi với những nền tảng vững chắc hơn là niềm vui đi vay mượn.
Theo dõi trận thua của ĐT Việt Nam trước Thái Lan, các nhà chuyên môn đã thừa nhận, trình độ cầu thủ hai đội quá khác xa. Vậy nên, bóng đá Việt Nam cần bắt tay vào đào tạo cầu thủ thay vì chỉ trích lẫn nhau. Theo thống kê, có quá nửa số đội bóng hiện nay không quan tâm đến chiến lược đào tạo trẻ. Ngay cả đội bóng giàu có như HAGL cũng không có quân tham dự các giải trẻ quốc gia theo quy định. Họ chấp nhận nộp tiền phạt, bởi thực chất là chỉ chạy theo lứa cầu thủ Công Phượng chứ không có một hệ thống đào tạo trẻ bài bản.
Hiện nay, cái thiếu của bóng đá Việt Nam là một mô hình chuyên nghiệp chứ không phải là một đội bóng. Bởi lẽ, ngay cả những đội bóng giàu có nhất mà không chuyên nghiệp, thậm chí tư duy theo hướng giản đơn hóa mọi việc thì còn lâu chúng ta mới hoàn thành được tham vọng đuổi kịp người Thái. Vậy mới nói, thay vì nói về chiến thắng trước Thái Lan, các ông bầu hãy làm việc một cách thực chất và có tầm nhìn. Sẽ chẳng có một nền bóng đá chuyên nghiệp nếu bản thân các đội bóng không chuyên nghiệp. Sẽ chẳng có một ĐT mạnh nếu các đội bóng không chịu đầu tư vào đào tạo trẻ. Chỉ có điều, đào tạo là vấn đề lâu dài và tốn kém, nên một khi các ông bầu không có được sự kiên định thì rất khó để thành công.