Báu vật nhân văn sống

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một dòng chảy bền bỉ và mạnh mẽ. Dòng chảy ấy đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến động lịch sử của TP hơn 1.000 năm. Để dòng chảy ấy tiếp tục theo năm tháng, có những con người luôn ân cần gìn giữ. Trong đó có những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và biết bao con người trân trọng di sản văn hóa của cha ông.

Di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù được biểu diễn tại Văn Miếu.
Vượt qua gian khó

Trong số gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, tuy có thăng trầm theo thời gian nhưng rất nhiều di sản văn hóa được khơi dậy, bồi đắp trở thành tâm huyết, đam mê của nhiều thế hệ nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản. Chính họ đang dốc sức mình để giữ gìn bản sắc cho mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên.

Nhiều năm trước, nếu đã từng đi bộ ở Công viên Thống Nhất, Hồ Gươm hay những nơi tập trung đông người, có lẽ nhiều người đã quen với hình ảnh nghệ nhân trẻ nặn tò he Đặng Văn Tiên bên vỉa hè. Sinh năm 1984, học hết lớp 12 thì bỏ ngang, chàng trai Đặng Văn Tiên quyết tâm mưu sinh bằng nghề truyền thống nặn tò he. Quyết định ấy của chàng trai xuất phát từ chính đam mê từ khi còn nhỏ. Học hết lớp 8, sáng đi học, chiều Tiên theo ông (nghệ nhân tò he Đặng Văn Hạ) đi nặn tò he. Lúc đó, bàn tay của cậu bé Tiên tuy còn có chút vụng về, nhưng nó bắt đầu bộc lộ sự khéo léo hiếm có. Kỷ niệm đáng nhớ: Có lần ngồi ở Gò Đống Đa, mấy ông cháu bị mấy gã say rượu, đầu gấu trấn lột. Moi tiền không có, họ moi bột ra... ăn, rồi khênh cả thúng đi mất.

Cũng giống như anh Tiên, hiện nay, phần lớn các nghệ nhân cuộc sống còn khó khăn, nhưng với tấm lòng yêu và gìn giữ di sản, vào mỗi dịp cuối tuần hay các buổi tối, họ vẫn kiên trì tập đàn, tập hát, tập diễn, miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ bởi trong họ luôn đau đáu tâm huyết bảo tồn.

Nỗi lo bảo tồn di sản
Nhìn vào những khó khăn của các nghệ nhân trẻ theo đuổi di sản truyền thống ấy để càng trân trọng hơn sự cống hiến âm thầm của lớp nghệ nhân gạo cội vẫn hàng ngày, hàng giờ gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể bằng sự nhiệt huyết và đam mê. Nhờ họ truyền lại cho lớp trẻ mà giá trị văn hóa dân gian vẫn tiếp tục có sức sống vững bền, trong đó có những loại hình gần nửa thế kỷ mai một hoặc thất truyền như: Ca trù, hò cửa đình, múa bài bông, chèo tàu… Trong số họ có những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm như báu vật sống của văn hóa, nghệ thuật dân tộc xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Nếu không có các nghệ nhân, chắc chắn một số lượng lớn giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung, cũng như sẽ không có những người thầy truyền dạy cho lớp trẻ.
Trên cả nước, các giá trị di sản phi vật thể luôn luôn trong tình trạng có nguy cơ mai một và cần được khẩn cấp bảo tồn và phát huy giá trị, Hà Nội cũng ở trong tình trạng chung đó. Tuy nhiên, việc TP Hà Nội tôn vinh các nghệ nhân lần 2 năm 2019 cũng thể hiện Thủ đô rất coi trọng và quan tâm đến các nghệ nhân. Đồng thời, TP Hà Nội đã và đang có những cơ chế, chính sách phù hợp để làm sao giúp các nghệ nhân phát huy, bảo tồn tốt giá trị văn hóa phi vật thể nhưng đồng thời truyền dạy cho con cháu để gìn giữ được giá trị di sản. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ trẻ, đưa di sản văn hóa vào trong các trường học, cuộc sống hàng ngày đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy tốt những gì cha ông để lại.
Noi gương của thế hệ nghệ nhân đi trước, nhiều CLB văn hóa dân gian hoạt động thường xuyên đã phục hồi những nghi thức, lễ hội truyền thống nhằm giữ gìn nét đẹp vốn có nó. Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Khướu (sinh năm 1927, Phú Xuyên, Hà Nội): “Tôi hát ca trù từ năm 11 tuổi. Thời gian chiến tranh (1945 - 1975), việc hát ca trù bị đứt quãng. Khi đất nước hòa bình, tôi tham gia một CLB ca trù để dạy cho khoảng 40 cháu. Nhưng đào tạo được nghề thì các cháu lại lớn, lại đi công tác xa hay lấy chồng. Rất ít cháu theo đuổi nghề này, do vậy, tôi mong muốn Nhà nước, Sở VH&TT Hà Nội quan tâm, giúp đỡ thì chúng tôi mới tồn tại được”.
Tại CLB Ca trù Tranh Thôn (Phú Xuyên) những nghệ nhân ca trù như cụ Khướu hiện nay không còn nhiều, cuộc sống của nghệ nhân cũng như việc duy trì hoạt động của CLB gặp vô vàn khó khăn. Theo Chủ nhiệm CLB Ca trù Tranh Thôn Nguyễn Thị Ngoan: “Trước đây, CLB có 3 nghệ nhân gạo cội nhưng giờ đây chỉ còn một mình cụ Khướu. Mặc dù, địa phương quan tâm, bố trí cơ sở vật chất nhưng khó nhất là việc chiêu sinh vì học hát lâu thuộc, các cháu ít được đi biểu diễn, tương lai không sáng nên gia đình các cháu cũng băn khoăn. Số tiền ít ỏi, chúng tôi chi cho những buổi luyện tập, trong đó các cụ nghệ nhân 20.000 đồng, thành viên CLB 10.000 đồng, các cháu bé được 5.000 đồng”.
 Di sản văn hóa phi vật thể Tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ Mẫu) được giới thiệu tại Văn Miếu. 

Truyền lửa cho đời
Hiện nay Hà Nội có số lượng nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước. Các nghệ nhân giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa truyền thống. Để nghệ nhân yên tâm gắn bó với di sản, TP Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân và khuyến khích các ngành, địa phương chủ động, sáng tạo trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản quý.
Dựa trên kết quả kiểm kê văn hóa phi vật thể, ngành văn hóa và các địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo tồn cụ thể cho từng di sản. Ngành giáo dục đào tạo đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học. Trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) lần thứ 2 năm 2019, Hà Nội có 7 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, 36 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT và 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu NNƯT. So với hàng nghìn người tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, số người được phong tặng danh hiệu là chưa nhiều, song đó là sự động viên kịp thời, giúp những người yêu di sản yên tâm, gắn bó với công việc mà mình tâm huyết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý: “Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng. Đây là niềm vinh dự và tự hào, đồng thời cũng là trọng trách mà TP cần quan tâm hơn nữa tới các nghệ nhân, tới những báu vật nhân văn sống để giữ gìn và bảo vệ các di sản vô giá mà cha ông đã để lại”.
Nhận thức tầm quan trọng của những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, TP Hà Nội đã có sự quan tâm đối với những “Báu vật nhân văn sống”. Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động: Sở VH&TT Hà Nội đã kiểm kê, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học nhất toàn bộ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên làm được việc này. Khi đã kiểm kê, đánh giá một cách khoa học các giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần cho công tác quản lý nhà nước được tốt hơn và đồng thời có cơ hội, điều kiện để bảo tồn và phát huy”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần