KTĐT - Kỳ diệu nhất là một bé gái mới 23 ngày tuổi cũng nằm trong số những người may mắn sống sót sau hơn một tuần bị chôn vùi dưới đất đá. Lòng tin, sự kiên cường, cơ thể khỏe mạnh và sự kỳ diệu đã giúp họ vượt qua thử thách.
Tám ngày sau thảm họa động đất, hy vọng về số phận của hàng chục nghìn người bị vùi lấp trong đống đổ nát ở thủ đô Port-au-Prince và các vùng phụ cận ở Haiti ngày càng giảm và hầu như đã hoàn toàn trở nên vô vọng.
Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi các nhân viên cứu hộ tiếp tục phát hiện thêm ít nhất 7 người mắc kẹt dưới đống gạch vụn và bêtông cốt thép.
Trong số này có một cụ bà 69 tuổi sau khi được kéo lên từ đống đổ nát của một nhà thờ đã cất tiếng hát, một bé trai 5 tuổi được cứu sống từ trong ngôi nhà đổ sập trong khi mẹ của bé đã chết, còn bố của em vẫn mất tích. Cách đó không xa, đội cứu hộ của Pháp cũng tìm thấy một cô gái trẻ còn sống sau một tuần không được ăn uống.
Kỳ diệu nhất là một bé gái mới 23 ngày tuổi cũng nằm trong số những người may mắn sống sót sau hơn một tuần bị chôn vùi dưới đất đá. Lòng tin, sự kiên cường, cơ thể khỏe mạnh và sự kỳ diệu đã giúp họ vượt qua thử thách.
Trong khi đó, trận động đất mạnh 6,1 độ Richter sáng 20/1 tại Haiti đã khiến điều kiện sống của những người sống sót sau động đất tuần trước thêm tồi tệ. Lực lượng cứu hộ lo ngại cơ hội tìm kiếm sự sống kỳ diệu trong các đống hoang tàn sẽ rất mong manh.
Chính phủ Haiti cho biết họ đã chôn cất 75.000 thi thể từ sau trận động đất hôm 12/1, tuy nhiên Tổ chức Y tế Liên Mỹ, cơ quan điều phối các hoạt động trợ giúp y tế tại Haiti, ước tính con số thiệt mạng có thể lên tới khoảng 200.000 người.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn ngày 20/1 đã kêu gọi phát động một kế hoạch cứu trợ đa phương dành cho đất nước Haiti bị tàn phá nặng nề sau trận động đất kinh hoàng chiều 12/1.
Kế hoạch trên có quy mô tương tự như "Kế hoạch Marshall" của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu từ đống tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Cũng trong ngày 20/1, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông báo kế hoạch tạo hàng nghìn việc làm cho người dân Haiti nhằm giúp những người sòn sống sót sau động đất bắt đầu thiết lập lại và ổn định cuộc sống.
Chương trình đã bắt đầu được triển khai tại thủ đô Port-au-Prince và một số khu vực bị tàn phá nặng nề nhất. Những lao động mới này chủ yếu làm công việc thu dọn đống gạch đá ngổn ngang của các tòa nhà bị sập trong trận động đất.
Thông báo của UNDP cho biết tổng cộng khoảng 220.000 người Haiti sẽ được huy động và tuyển dụng tạm thời để dọn dẹp đống đổ nát, trước mắt là nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ và sau đó sẽ xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng nhằm khởi động nền kinh tế Haiti.
Lúc này, Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh hoạt động cứu trợ và bước đầu triển khai các kế hoạch nhằm tái thiết Haiti. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 20/1 cho biết Mỹ đang đưa thêm nhiều tàu tới Haiti, trong đó có cả một chiếc tàu được thiết kế để dọn dẹp những đống đổ nát cản trở hoạt động trong bến cảng chính của thủ đô Port-au-Prince.
Theo các quan chức Mỹ, Washington đã quyết định cử thêm 4.000 binh lính tới hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ Haiti. Những binh lính này ban đầu được dự định sẽ triển khai tới châu Âu và Trung Đông. Như vậy, tổng số binh lính Mỹ được triển khai tới Haiti sẽ vào khoảng hơn 15.000 người.
Tuy nhiên, Tổng thống Bolivia Evo Morales phản đối việc Mỹ tiếp tục tăng quân tới Haiti, cho rằng Mỹ đã lợi dụng một thảm họa thiên nhiên để gửi 12.000 quân tới Haiti với ý đồ "xâm lược và chiếm đóng" quốc đảo Caribe này.
Ông Morales tuyên bố sẽ yêu cầu Liên hợp quốc triệu tập một phiên họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hiện tượng mà ông gọi là "chiếm đóng quân sự" của Mỹ tại Haiti, thông qua danh nghĩa viện trợ nhân đạo.
Hiện tại, Mỹ đã thỏa thuận với Chính phủ Haiti giành quyền kiểm soát không phận của quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này, đồng thời cũng đang đàm phán về quyền điều hành hải cảng tại Port-au-Prince./.