Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Sau 2 ngày làm việc, Diễn đàn đã đánh giá lại kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014, đánh giá hướng đi cho năm 2015. Nội dung được bàn nhiều là môi trường đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu bế mạc Diễn đàn.
|
Nền kinh tế đang dần phục hồi
Qua Diễn đàn, với nhiều góp ý tâm huyết của các chuyên gia cho thấy, chuyên đề cải thiện môi trường đầu tư được đề cập nhiều. Các đại biểu kỳ vọng vào những phát biểu của các chuyên gia, rất mừng là đã đạt kết quả cao.
Sau các báo cáo tham luận tại Diễn đàn, với các tranh luận, giải đáp, đối thoại, các ý kiến rất đa chiều. Ông Giàu đánh giá, kết quả đạt được rất quan trọng.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KT- XH năm 2014 cho thấy, nền kinh tế đang dần phục hồi. Biểu hiện là tăng trưởng kinh tế cao hơn, kiểm soát lạm phát tốt, xuất siêu lớn, nợ xấu giảm xuống mức tương đối thấp, tái cơ cấu nền kinh tế đã thực hiện quyết liệt và có kết quả bước đầu quan trọng. Quốc hội đã giám sát tốt nội dung này và tiếp tục ban hành nghị quyết cụ thể yêu cầu Chính phủ và các cơ quan Chính phủ thực hiện.
Với 3 trọng tâm tái cơ cấu, theo tinh thần của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cho thấy, phân bổ nguồn lực đã có trật tự hơn. Quốc hội đã tăng cường giám sát việc này. Bên cạnh đó, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn của DNNN đã có kết quả quan trọng. Nhiều văn bản đã được ban hành phục vụ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng…
Về xã hội, đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Trong đó có xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Qua quý I/2015 cho thấy, xu hướng kinh tế tốt hơn, tăng trưởng cao hơn, nhiều thuận lợi hơn. Đây là một điểm mới. Qua các báo cáo của Chính phủ cho thấy, có được các kết quả tích cực là nguyên nhân dài hạn. Đó là nhờ Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp đúng đắn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Cần kiên trì nguyên tắc thị trường
Mặc dù vậy, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn còn quan ngại nhiều vấn đề. Trong đó, cần kiên trì nguyên tắc thị trường, xích lại nhiều chuẩn mực của thông lệ quốc tế.
Đồng thời, tái cơ cấu nền kinh tế, cần phải thúc đẩy nhanh hơn, đặc biệt là khu vực DNNN cần có luật cổ phần hóa, chí ít là có nghị quyết của Quốc hội về cổ phần hóa. Tiếp thu tinh thần này, ông Giàu cho biết, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Nhiều ý kiến lo ngại ngành nông nghiệp, đặc biệt tổ chức lại mô hình sản xuất để hấp thụ được tiến bộ KHCN, tăng sức cạnh tranh cho ngành một cách dài hơi. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Về hội nhập, nhiều chuyên gia đã chứng minh Việt Nam đã hội nhập và đạt nhiều chỉ số hội nhập quan trọng, thậm chí cao hơn một số quốc gia khác. Nhưng thực tế “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa đủ sức hội nhập một cách tự chủ và hiệu quả.
Theo ông Giàu, để tăng sức cạnh tranh, cần chủ động năng cao năng lực doanh nghiệp, không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước.
Về doanh nghiệp FDI, ông Giàu đề nghị tiếp thu các ý kiến tại Diễn đàn, cần lan tỏa tốt hơn yếu tố tích cực của doanh nghiệp đối với nền kinh tế.
Đồng thời, một vấn đề quan trọng là phòng chống tham nhũng để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước
Câu chuyện nợ công, ông Giàu tổng kết: Đây là vấn đề rất quan trọng. WB đánh giá nợ công của Việt Nam rất khách quan, cần chú ý. Còn đối với nợ xấu, vấn đề là phải làm rõ hơn thông tin về việc VAMC cần có chính sách gì? Việc phát hành trái phiếu thực hiện như thế nào cho hiệu quả.
Hơn nữa, nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập, tái cơ cấu TCTD cần công khai, minh bạch. Ông Giàu đề nghị mỗi người cùng góp sức để cải thiện việc này, trong đó Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý chủ động.
Đối với vấn đề tỷ giá, ông Giàu cho rằng, các chuyên gia nên có những kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, NHNN cũng phải có những khẳng định cụ thể, thuyết phục. Quan hệ cung – cầu ngoại tệ là nhân tố quyết định nhất, là căn cứ quan trọng để điều hành chính sách tỷ giá.
Ông Giàu thẳng thắn: Các chuyên gia tham gia Diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp, lời khuyên bằng cái tâm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe, tham khảo để phục vụ quá trình quản lý, điều hành cho hiệu quả.
Về cải thiện môi trường đầu tư, ông Giàu tổng kết: Cải thiện môi trường đầu tư liên quan đến nhiều vấn đề về thể chế, lao động, văn hóa, đạo đức. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý về thể chế và tổ chức thực hiện.
Theo ông Giàu, lo lắng lớn nhất hiện nay, có lẽ là cụ thể hóa Hiến pháp. Việc này tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII đã được đề cập.
Trong công tác tổ chức thực hiện, ông Giàu cho biết, thời gian tới, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện các nhiệm vụ KT - XH…