Như thế có nghĩa là phía chính quyền Mỹ không để cho chính quyền Taliban ở Afghanistan kế thừa và sử dụng số tài sản này. Ngoài số tiền trên, Afghanistan còn có khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD để ở Đức, Thụy Sỹ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và một vài quốc gia khác. Sau khi trở lại cầm quyền ở Afghanistan, Taliban đã nhiều lần lên tiếng đòi được nhận lại số dự trữ ngoại tệ này.
Theo sắc lệnh nói trên của ông Biden, một nửa sẽ được sử dụng để cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Afghanistan, trực tiếp chứ không thông qua chính quyền Taliban, và nửa còn lại dành để bồi thường cho những nạn nhân của hành động khủng bố của Taliban, kể cả trong vụ việc xảy ra ngày 11/9/2001 ở Mỹ.
Quyết định này của ông Biden là một đòn nặng tay nhằm vào Taliban. Taliban hiện rất cần được sử dụng khoản tiền này để trang trải chi phí cho việc vận hành quản lý đất nước sau khi trở lại cầm quyền ở Afghanistan và để có bằng chứng về việc được Mỹ công nhận là chính quyền kế thừa hợp pháp chính quyền trước đấy ở Afghanistan. Liên Hợp quốc và nhiều nước tham gia cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan nhưng đều trực tiếp chứ không thông qua chính quyền Taliban. Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới sẵn sàng viện trợ tài chính nhiều đến thế trực tiếp cho chính quyền Taliban.
Taliban cần nhưng phía Mỹ lại không vội. Quyết định nói trên giúp ông Biden được lợi rất nhiều về đối nội, đồng thời còn cho thấy Mỹ không có ý định sớm công nhận chính thể của Taliban ở Afghanistan. Mỹ đã chủ trương như vậy thì các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng sẽ như vậy trong chuyện này. Mà càng chậm được thế giới bên ngoài chính thức công nhận thì Taliban càng thêm khó khăn và khó xử trên nhiều phương diện. Mỹ và đồng minh đã rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan nhưng xem ra không vì thế mà họ thiếu con chủ bài cho cuộc chơi mới với Taliban ở Afghanistan.