Có những người đứng bên đời nhau nhưng hiu quạnh. Hiu quạnh yêu nhau rồi hiu quạnh xa nhau. Có cuộc tình câm mãi không nói nên lời, cứ lặng lẽ thành vết thương thiên thu.
Xứ Nguyệt Biều chẳng ai nổi tiếng bằng chị em nàng Vỹ. Trời sinh ra hai phận gái nổi trôi như để nhắc khéo người đời thói ăn ở “không có mắt” của mình. Cô chị tên Thục Vỹ xinh đẹp mỹ miều, cô em là Diên Vỹ nhưng dung mạo ủ rũ, xấu xí tựa loài hoa héo. Nàng Thục giống mẹ từ dáng thắt đáy lưng ong đến làn da trắng nõn nà. Đôi mắt sâu vời vợi như vẫn trông theo bóng cha mình bỏ đi mất hút sau cuộc tình ngắn ngủi với mẹ.
Diên Vỹ và chị không cùng cha. Cha nàng đen nhẻm, lùn tịt và nói ngọng, ông cưu mang mẹ nàng lúc cả làng dị nghị giống chửa hoang. Hai năm sau đám cưới giản dị, Diên Vỹ ra đời trong tiếng thở dài nhớ thương người cũ của mẹ và những lo toan tận tụy của cha. Cha nàng tốt bụng nhưng xấu người, xấu cả số. Ông ra đi vì một cơn đột quỵ, lúc đấy hai chị em đứa lên 10, đứa mới chỉ 12.
Cha mất sớm, mấy mẹ con chỉ biết trông vào vườn bưởi gia truyền. Sáng đi học, chiều chạy về làm vườn đến tối mịt, tuổi thơ của các nàng lận đận bên gốc bưởi lo kế sinh nhai. Rồi năm, rồi tháng trôi qua. Thiên hạ kháo nhau ghé làng Nguyệt Biều phải mua bằng được thứ bưởi Thanh Trà đặc sản xứ này, nhất là mua tận tay nàng Thục Vỹ lam lũ nhưng tướng mạo nghiêng nước, nghiêng thành.
Khách thăm Nguyệt Biều toàn người dưng nước lã nhưng có kẻ trót gửi hồn mình lại chốn này. Cậu ấm Thành mê cô chị như điếu đổ. Mỗi tuần cậu ghé mấy bận, mỗi bận cậu ghé, nhà nàng không ngớt tiếng cười. Khách ăn học đến nơi đến chốn nên nói chuyện từ tốn, giản dị mà có duyên chết người. Khách lại có chút máu nghệ sĩ, đánh ghi-ta buồn chi lạ. Nàng Thục từ cái nhìn đầu tiên đã liêu xiêu, chỉ chờ mỗi lời cầu hôn là gật đầu cái rụp. Trớ trêu thay tim người vốn yếu mềm hơn sỏi đá, cùng phận gái dặm trường, Diên Vỹ không khỏi rung động trước cậu Thành. Nhưng nàng lầm lì chưa từng thể hiện tấm lòng, nàng yêu chỉ để giấu. Hai năm cậu Thành đi lại với chị mình, nàng như tấm bình phong lặng lẽ, đứng rót trà cho cậu lúc đang đợi chị điểm phấn tô son, chuyển phong thư, bó hoa cậu gửi, ngồi hàng giờ nghe chị kể “anh Thành thích chị mặc áo dài trắng, anh Thành thích món cá bống thể chị kho, anh Thành nói ước nguyện kiếp này là cưới chị làm vợ...”
Nhưng trời hay ganh ghét kẻ nào ưa nói trước, cậu Thành chưa kịp thực hiện tâm nguyện thì giai nhân đã bỏ đi. Thục Vỹ không chịu nổi tin sét đánh ngang tai: Cậu Thành tai nạn thoát chết nhưng liệt nửa người, đến trí khôn cũng không giữ nổi, cậu giờ chỉ như đứa trẻ lên ba quên hết nợ đời. Nàng đã sợ cảnh nghèo túng, đã tự xây giấc mộng nhung lụa, giờ không dám ở lại bên cậu khi nhà chồng khánh kiệt vì dồn hết tài sản cứu con trai, không muốn suốt đời chăm sóc kẻ chẳng còn nhớ mình là ai.
Chị đi rồi nhưng em chẳng nỡ. Lúc tiễn Thục Vỹ theo dì ruột bay sang Mỹ làm ăn, chị em gái đứng nhìn nhau trân trối, nước mắt vắn dài thi nhau chảy mà không gửi gắm nổi vài lời hỏi han. Biết hỏi sao cho vừa những tháng ngày em tận tụy lo từng bữa cơm, chén nước cho người mình từng yêu thương.
Em giờ đã là vợ cậu Thành. Đám cưới đơn sơ, cô dâu cười hiền như bầu trăng Nguyệt Biều đêm mờ sương, chú rể ngồi xe lăn cười ngây ngô. Diên Vỹ biết đời mình từ đây sẽ quạnh hiu vì chân tình đó cậu Thành mãi không thấu nổi. Cậu giờ ngơ ngác nhìn nàng như nhìn vào hư không. Còn gì cô độc hơn lấy phải người không yêu mình. Còn gì khờ khạo hơn kẻ biết đời sẽ cô độc nhưng vẫn quyết sống chết bên người mình yêu!