Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bệnh" dạy thêm, học thêm: Phải chữa từ gốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rộ lên ngay từ tuần học thứ hai của năm học mới, nhưng nay, nhiều lớp dạy thêm cho học sinh (HS) tiểu học "đột ngột" đóng cửa. Việc này lại "trùng" với kế hoạch thanh tra tình trạng dạy thêm, học thêm ở 4 quận trên địa bàn Hà Nội của Bộ GD&ĐT.

Bất ngờ dừng học thêm
 
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng nghỉ học thêm diễn ra đồng loạt tại nhiều quận như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Xuân… và chủ yếu thuộc nhóm lớp học ngoài giờ, học tại nhà cô giáo. Chị Phạm Thu, phụ huynh HS lớp 5 trường Tiểu học M.Đ cho biết, 2 tuần nay con chị được nghỉ học "ca 3": "Cháu được cô thông báo nghỉ học gần 2 tuần nay, tôi nhẹ cả người, những hôm con phải học "ca 3" ở trường, tan học đón con về đến nhà cũng 21 giờ 30". Chị Thu cho biết, một tuần 3 buổi, cứ sau giờ học chính khóa, bố mẹ chỉ kịp đón con về nhà tắm rửa, ăn tối để 19 giờ lại đến trường học tới 21 giờ. Một phụ huynh cũng có con cùng học "ca 3" kể: Cô giáo yêu cầu phụ huynh phải viết đơn tự nguyện, nhưng không được nhắc đến hai từ "học thêm" trong đơn, thay vào đó là "học tăng cường, học ngoài giờ…". Tương tự, nhiều phụ huynh có con học từ lớp 1 đến lớp 5 trường Tiểu học K.L (quận Đống Đa), Đ.T.C (quận Thanh Xuân), trường Tiểu học Q.T và N.D (quận Hoàn Kiếm) đều cho hay: Bình thường, cô vẫn dạy thêm tại nhà vào 2 buổi chiều hoặc sáng thứ Bảy và Chủ nhật. Gần đây, các cô đột nhiên thông báo… tạm nghỉ vì có việc bận, có gì cô sẽ thông báo sau!

"Bệnh" dạy thêm, học thêm: Phải chữa từ gốc - Ảnh 1

Nâng cao đời sống cho giáo viên sẽ chấm dứt được tình trạng  dạy thêm, học thêm. Ảnh: Ngọc Bích

Lớp học "ca 3", lớp học tăng cường cũng "đột ngột" đóng cửa, nhiều phụ huynh thở phào vì con… thoát cảnh "học ngày, học đêm". Nhưng, nhiều phụ huynh lại lo lắng, hay thay vì không học ở trong trường, lớp học sẽ chuyển sang học ở ngoài trường, học ở trung tâm, và giáo viên dạy vẫn là cô chủ nhiệm…

Lỗi tại địa phương?

Trước nhiều phản ánh về tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan ngay từ đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra gần 20 trường học trên địa bàn Hà Nội. Ngay sau khi Bộ kiểm tra ở một số trường, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân phản ánh: "Tôi được biết, trong khi Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đi kiểm tra các trường tiểu học về tình trạng học thêm, dạy thêm, Bộ đã hỏi và phát phiếu thăm dò ý kiến HS về việc có học thêm hay không. Có đến 100% HS "nói không" với học thêm, dạy thêm. Nhưng việc "nói không" với học thêm này, HS đã được "học thuộc" từ trước…". Nhiều ý kiến của phụ huynh đưa ra, liệu việc thăm dò ý kiến của Bộ có cho thấy thực tế tình trạng học thêm, dạy thêm hiện nay? Có người còn thẳng thắn: "Kiểm tra bằng cách này, thà Bộ đừng làm cho xong!".

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm không đúng quy định. Cụ thể, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; Chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm…

Bộ GD&ĐT quy định: Đối tượng học thêm là HS có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình HS và HS học thêm. Đúng là không ép buộc thật, song có giáo viên ở trên lớp dạy lướt, không dạy hết trách nhiệm để học trò phải theo học thêm tại nhà, thì có khác gì ép? Thế nên có người cho rằng, chỉ cần nhà quản lý giáo dục kiểm tra bất ngờ, ở đâu dạy thêm, học thêm thì phạt thật nặng. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ chỉ ra văn bản, địa phương phải thể chế hóa văn bản đó thành quy định phù hợp với địa phương. Quản lý không được ở đâu là lỗi của địa phương, còn Bộ GD&ĐT chỉ có chế tài chung. "Nói chung, không dễ xử lý hành chính việc này. Nói thì dễ và ai cũng bức xúc, nhưng nó như kiểu ngứa chỗ nào gãi chỗ ấy, không đơn giản như chúng ta nghĩ" - ông Thành nói.

Theo GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội), dạy thêm, học thêm đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn. Nhiều giáo viên không đủ sống nên buộc phải dạy thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, không nên đổ hết lỗi cho giáo viên và coi họ như tội đồ gây nên tình trạng dạy thêm tràn lan. "Nhìn ở một góc độ khác, chính chương trình học nặng, thi khó… cũng đẩy HS, giáo viên phải dạy thêm, học thêm" - GS Hãn nói. Nếu "bệnh" dạy thêm, học thêm không được chữa từ gốc sẽ không bao giờ khỏi được, trị dứt chỗ này, bệnh sẽ bùng phát chỗ kia.

Chống dạy thêm, học thêm là chủ trương đúng, nhưng nhiều năm nay vẫn không thành công. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, một trong những nguyên nhân chính là đồng lương giáo viên chưa đủ đáp ứng đời sống. Nhưng cũng phải thấy với cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay khó chấm dứt nạn dạy thêm, học thêm.