Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viêm não rất nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp những đợt nắng nóng tại các tỉnh miền Bắc khiến trẻ em đổ bệnh, trong đó nhiều trẻ bị viêm não phải nhập viện.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, VSMT, đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Nhiều trường hợp mắc bệnh

Vừa qua, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã xuất hiện chùm ca bệnh với 7 trường hợp dưới 6 tháng tuổi tử vong nghi do viêm não cấp. Điều đó đang làm dấy lên mối lo đối với người dân trong mùa nắng nóng này.
Tiêm vaccine cho trẻ tại TTYT quận Hoàng Mai. Ảnh: Mai Ngọc
Tiêm vaccine cho trẻ tại TTYT quận Hoàng Mai. Ảnh: Mai Ngọc
Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ bệnh nhân mắc viêm não nhưng đã xuất hiện một số ca viêm não, viêm màng não phải nhập viện, trong đó có những trường hợp viêm não nặng. Còn tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - quyền Trưởng khoa cho biết, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 7 - 8 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc viêm màng não, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo bác sĩ Nam, tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, các virus đường ruột hoặc biến chứng của các bệnh truyền nhiễm như quai bị, thủy đậu, tay chân miệng... Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng Hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh. Mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh này.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, biểu hiện chính của bệnh viêm não là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh T.Ư bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...  Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Trẻ bị viêm não cấp thường khởi bệnh đột ngột và có thể tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời (trong vòng 3 ngày hoặc có trường hợp chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi nhập viện). Khoảng 20 - 30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt. Bên cạnh đó, biến chứng của viêm não cũng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Một số di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Theo bác sĩ Nam, bất kể trường hợp nào sốt, nôn, đau đầu không rõ nguyên nhân, bác sĩ đều khuyến cáo xét nghiệm dịch não tủy sớm. Nếu được phát hiện bệnh sớm, chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị cao hơn, phần lớn trong một tuần là khỏi.

Để phòng bệnh viêm não, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực các biện pháp sau:

1. Thực hiện tốt VSMT, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo ATTP, ăn chín, uống chín.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

5. Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, cần tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch với 3 liều cơ bản. Mũi 1: lúc trẻ được một tuổi; mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.