Bệnh viện lo chống rét cho bệnh nhân

Đoàn Hải - Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, ngày 10/1, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho người bệnh tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội.

Theo ghi nhận, trước đợt rét này, các BV trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp chống rét cho người bệnh.
Không để bệnh nhân bị rét

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra Sở Y tế, BV Phụ sản Hà Nội đã thực hiện tốt việc chống rét cho người bệnh như đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết lạnh. Các buồng bệnh kín gió, BV cũng đã trang bị đầy đủ chăn, đệm, nhất là tại các phòng đẻ, sau đẻ, phòng sơ sinh. Nhiều khoa bố trí quạt sưởi ấm (đối với những nơi không có hệ thống điều hòa hai chiều) để bảo đảm giữ ấm cho người bệnh. Theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh, với đơn vị y tế đặc thù, chăm sóc sản phụ, bà mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh nên BV đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống rét cho người bệnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, BV nên tăng cường truyền thông, tư vấn cho người dân đến khám, chữa bệnh, các bà mẹ về những biện pháp chống rét, cũng như cảnh báo người dân về các tai nạn như ngộ độc khí do sưởi ấm bằng than tổ ong; trẻ em ngạt thở do bị ủ ấm quá kín...

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Quỳnh Linh

Còn tại BV Đa khoa Đức Giang, Giám đốc BV Nguyễn Văn Thường cho biết, đơn vị đã yêu cầu các khoa phòng tăng cường sử dụng điều hòa nóng, đèn, quạt sưởi và cấp đầy đủ chăn cho người bệnh, tránh để người bệnh phàn nàn về việc bị rét khi điều trị tại BV. Các bác sĩ khi khám và điều trị cũng lưu ý đến bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cao tuổi và những trường hợp tăng huyết áp cách phòng chống rét, nguy cơ đột quỵ do trời lạnh cũng như kiểm soát tốt huyết áp.

Tại BV K, theo bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, để phục vụ các bệnh nhân đang điều trị nội trú, cũng như bệnh nhân ngoại trú tại khu vực phòng khám, BV đã bố trí cấp đủ chăn, duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân. Đặc biệt, các khoa đặc thù đã triển khai việc cung cấp suất ăn tận phòng bệnh phục vụ bệnh nhân nặng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân tạm thời chưa có người nhà chăm sóc…

Nhiều BV khác như BV Bạch Mai, Việt Đức, Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông… đều đã bổ sung thêm điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm phục vụ người bệnh.

Chú ý phòng bệnh hô hấp, đột quỵ

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh khiến hệ miễn dịch suy yếu, da khô ráp và dễ mắc các bệnh cúm, ho, cảm lạnh, viêm phổi, tim mạch, đột quỵ, nhất là trẻ em, người già.

Thực tế, tại BV Nhi T.Ư, những ngày qua, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 4.000 trẻ đến khám, trong đó 80% trẻ mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy do virus. Nhiều trường hợp nặng, khi đến viện đã trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, phải thở máy. Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Bác sĩ Nguyễn Minh Điển khuyến cáo, với trẻ nhỏ, cần giữ ấm cho trẻ nhưng cũng không nên mặc quá kín dễ gây ngạt, tốt nhất là không mặc quá 4 lớp quần áo. Ngoài ra cần vệ sinh cơ thể và vệ sinh môi trường sống thường xuyên, cho trẻ ăn những thức ăn giàu đạm, chất khoáng, vitamin... để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn và kê đơn.

Còn tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, những ngày qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận gần 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 10% so với bình thường. Theo bác sĩ Mạc Duy Tôn – khoa Cấp cứu, khi trời lạnh, cơ thể thường có hiện tượng co mạch, máu dễ bị đông hơn nên dễ gây tắc nghẽn mạch dẫn đến đột quy. “Khi phát hiện người bị đột quỵ, nên gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Khung giờ vàng để cấp cứu đột quỵ là dưới 6 tiếng đồng hồ”- bác sĩ Tôn lưu ý.
Tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai hàng năm đều cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc khí CO, nguyên nhân là do đốt than tổ ong trong phòng kín. Đối với các thiết bị như quạt điện, chăn điện, máy sưởi, mọi người cần kiểm tra kỹ trước khi sử dụng tránh điện rò rỉ ra bên ngoài. Sử dụng thiết bị sưởi ấm chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tắt thiết bị khi đủ ấm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên 

Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các BV chuẩn bị đủ phương tiện phòng chống rét cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Để đảm bảo việc phòng chống rét trong quá trình khám chữa bệnh, nơi chờ khám bệnh, các buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn, đệm, lò sưởi… Trong trường hợp người bệnh phải chuyển tuyến cần giữ ấm trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trẻ em, trẻ sơ sinh và người già.
Ông Nguyễn Khắc Hiền Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần