Bệnh viện mùa Covid

PGS.TS.BS Nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bốn giờ sáng, tiếng chuông điện thoại vang lên réo rắt, định không nghe. Nhưng theo phản xạ tới hồi chuông thứ hai tôi với tay lấy chiếc máy điện thoại di động ở đầu giường và bắt đầu một ngày mới…

Vợ của một bệnh nhân cũ của bệnh viện ở quận 8, TP Hồ Chí Minh, điện thoại đến, chồng chị bị cao huyết áp và tiểu đường đã điều trị tại bệnh viện của tôi hơn 10 năm trời. Tối hôm qua bệnh nhân thấy khó thở, huyết áp lên và sốt nhẹ. Gia đình đã cho uống thuốc hạ sốt và hạ huyết nhưng bây giờ bệnh nhân cảm thấy khó thở. Người nhà rất lo lắng khi gọi điện thoại cho chúng tôi. Thế bệnh nhân đã thử test Covid chưa? Tôi hỏi qua điện thoại, người thân bệnh nhân ngập ngừng nói: “Có thử rồi nhưng bác sĩ nói không có gì”. Kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề chữa bệnh, tôi biết qua giọng nói của họ có điều gì đó không thật. Tôi liền điện thoại cho tốp cấp cứu của bệnh viện.
Lên đường lúc 4 giờ 15 phút

Tổ cấp cứu trang phục đầy đủ từ đầu đến chân từ bác sĩ, điều dưỡng đến tài xế và nhân viên lấy mẫu đã ngồi chỉnh tề trên xe. Chiếc xe lao vút đi trong cái lạnh se se của buổi sáng cuối hè và sắp vào thu của thành phố vốn ồn ào náo nhiệt nhất đất nước, thành phố của miền nhiệt đới của nắng, gió và những cơn mưa rào chợt đến lại chợt đi như một giấc mơ trong đời mỗi người dân thị thành.
Các bác sĩ Bệnh viện quốc tế Minh Anh giải lao sau giờ làm.
Không có tiếng còi hú giữa buổi sáng: Đến nơi vừa đúng 15 phút, thật là kỷ lục vì ngày thường ngoài mùa dịch quãng đường này phải đi hết gần một giờ. Kẹt xe, nắng nóng vốn là đặc sản của các thành phố lớn trong thời đại hoàng kim của lịch sử phát triển của loài người.

5 giờ sáng

Cả bệnh viện như bừng tỉnh. Trong phòng cấp cứu tiếng bíp đều đều của chiếc monitor theo dõi sinh hiệu của bệnh nhân vẫn vang vọng giữa buổi sáng trong lành. Mùa này bình thường mọi năm thì số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện cũng khá đông, đôi khi là quá tải với những bệnh viện lớn. Năm nay do dịch và dãn cách xã hội nên rất ít người đi khám bệnh. Ngược lại là sự tràn ngập của những bệnh nhân mắc bệnh cúm Covid. Họ nằm đầy các phòng bệnh, nhất là ở khu cấp cứu và khu điều trị bệnh nặng. Thật là mới sáng ra đã quá nhiều điều lo âu cho một ngày mới.

7 giờ, giao ban và hội ý online

Đúng bảy giờ, cô thạc sỹ điều dưỡng Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, nơi tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm cố vấn chuyên môn gọi điện thoại nhắc tôi đã đến giờ giao ban và hội ý của bệnh viện online.

8 giờ, chích ngừa cho cộng đồng

Đúng 8 giờ nhóm chích ngừa ngoài cộng đồng của bệnh viện lên xe xuất hành đến vị trí tiêm. Hôm nay đội chíc ngừa của bệnh viện gồm 4 tổ 25 nhân viên tiến hành chích ngừa cho gần 15.000 nhân viên của công ty giày Pouyoen. Một đại công ty có khoảng 60.000 nhân viên hôm nay là ngày chích thứ tám rồi, tất cả mọi nguồn lực được huy động tối đa tốc chiến, chạy đua hàng ngày với virus cúm.

Bộ đồ có tác dụng phòng hộ khá tốt, nhưng rất nóng và khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân. Ai đã từng mặc những bộ đồ như thế này đều nhớ đời. Đã có nhiều trường hợp nhân viên đội chích ngừa đã bị xỉu do shock nhiệt khi mặc bộ đồ này mà làm việc liên tục trong môi trường nóng và ẩm.

10 giờ, cao điểm tại bệnh viện

Sau vài giờ đồng hồ tạm thời yên ắng. Giờ này tiếng xe cấp cứu lại vang rền ở khu cấp cứu của bệnh viện. Bệnh nhân cấp cứu lũ lượt đổ xuống có lúc quá khả năng tiếp nhận của bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi. Người thì sốt, người cao huyết áp và nhiều bệnh khác nữa. Nhưng có điều lạ so với những ngày thường là rất ít tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… kể cả đâm chém nhau nữa. Trong cơn dịch dã hình như mọi người yêu thương nhau hơn, đường phố như rộng hơn, vắng lặng hơn thì phải.

Điện thoại reng chuông liên tục, hết của bệnh nhân đến của người quen. Họ điện thoại đến hỏi xem có còn nhận được thêm bệnh nhân không? Tình trạng bệnh của người thân trong gia đình có nguy cập không? Có còn cách nào cứu chữa cho bệnh nhân. Tại khu cách ly bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ xuống trong đó phần lớn là nhiễm cúm Covid đúng là thật khổ cho bệnh nhân, cho người nhà và cho nhân viên y tế.

13 giờ trưa

Tình hình cũng không có gì cải thiện thêm vẫn bệnh nhân, điện thoại lại công văn. Công văn chống dịch, chỉ thị… bay như bươm bướm. Tình trạng: “Sáng nắng chiều mưa, đến trưa lại nắng” liên tiếp xảy ra. Dù đã qua giờ trưa, nhiều nhân viên y tế và cán bộ quản lý của bệnh viện vẫn chưa được ăn trưa. Bắt đầu có hiện tượng một số người tỏ ra mệt mỏi, suy bì tị nạnh với nhau và lơ là trong công tác. Cũng phải thôi con người chứ đâu phải là thần thánh. Mai sẽ có cuộc họp vừa để chấn chỉnh vừa để động viên tinh thần nhân viên. Một việc rất cần làm trong giai đoạn hiện nay.

Lúc 4 giờ chiều

Công việc của bệnh viện còn quá nhiều, bệnh nhân nằm khu cách ly vẫn chưa lấy mẫu làm PCR xong, đông quá mà theo quy định của ngành y tế để bảo đảm tính chính xác trong điều trị bệnh nhân thì bệnh nhân khi nhập viện hay chuyển viện đều phải có kết quả test PCR. Quy định này cũng gây khó khăn nhiều cho công tác điều trị và vận chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện hoặc các trung tâm chuyên điều tri bệnh nhân Covid. Việc sắp xếp được chuyện này cũng đỡ đi rất nhiều chuyện phiền toái mà mọi người đôi khi phải nhờ báo chí và mạng xã hội để giãi bày, tâm sự.

Đội chích ngừa cũng vừa xong. Hôm nay gần 2.000 mũi tiêm đã hoàn thành, ơn trời không có tai biến nào cả.

Đúng là giờ hoàng đạo thật, một lúc 5 bệnh nhân vào cấp cứu đủ mặt bệnh cả, trong đó có 3 người dương tính với test nhanh Covid. Cả ba đều được đưa xuống khu cách ly. Bệnh viện nhỏ mà không thể chia đôi bệnh viện như các bệnh viện lớn của nhà nước và cũng bắt đầu cuộc tìm kiếm gửi gắm bệnh nhân vĩ đại bằng điện thoại. Hàng chục cuộc điện thoại được gọi đi khắp các bệnh viện cũng không nơi nào nhận cả, chỗ nào cũng đầy ắp cả rồi, họ không thể nhận thêm nữa kể cả bệnh nhân nặng đang phải thở oxy. Buồn thật, nhưng bệnh viện của chúng tôi thì không có khả năng điều trị những bệnh nhân mắc Covid nặng.

Loay hoay gần 2 tiếng đồng hồ, vừa cấp cứu vừa điện thoại tận dụng mọi sự quen biết, ngoại giao đặc biệt mà chúng tôi thường gọi là: “Ngoại giao mùa Covid” rốt cuộc cũng có hai bệnh viện chịu nhận bệnh nhân. Họ giục chúng tôi, chuyển nhanh nhé không có là bệnh viện khác họ lấy mất chỗ đấy: “Chúng tôi nể thầy của các anh lắm mới nhận đấy”.

10 giờ đêm mới về nhà

Giờ mới về đến nhà, quãng đường dài gần 3km. Bình thường đi mất khoảng 15 phút nay phải mất 30 phút với gần chục chốt chặn kiểm soát, đường phố vắng lặng rất ít người đi ra phố giờ này, giới nghiêm mà.

Qua 12 giờ đêm

Bệnh viện có phần tĩnh lặng hơn, ngoài trời đã bắt đầu bớt nóng, những giọt sương đêm bắt đầu đọng trên những cây xanh trong bệnh viện. Những bệnh nhân nặng ở lại trong bệnh viện cũng đã thiu thiu ngủ, giấc ngủ khó khăn và nặng nề sau một ngày cùng các nhân viên y tế chống chọi lại với bệnh tật. Ngày nào cũng vậy giờ này cũng là giờ thấm mệt của chúng tôi, góc phòng này cô điều dưỡng đang lơ mơ ngủ ngồi, bác sĩ thì gục tạm trên bàn làm việc.

Là người trong cuộc đã trên 38 năm rồi, nhiều khi tôi cũng không hiểu sức lực của chúng tôi ở đâu mà nhiều thế, nghị lực ở đâu mà phi thường đến thế. Chắc là ông trời đã thương mến chúng tôi và tổ tiên nước Việt đã phù hộ cho chúng tôi những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống cơn đại dịch.

TP Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2021

4 giờ sáng, chuông điện thoại vang lên, đánh thức cả cô điều dưỡng và chàng bác sĩ và sau cuộc điện thoại ấy mọi vật trong cái bệnh viện bé nhỏ này như bừng tỉnh, chiếc xe cứu thương lại được lệnh lên đường xé tan màn đêm lao nhanh trên đường. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần