Berlin đặt điều kiện để Mỹ không áp lệnh trừng phạt chống Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Đức đã tuyên bố sẵn sàng tài trợ cho việc xây dựng 2 cảng nhằm mục đích nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ để cứu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

Theo tờ Die Zeit, chính quyền Berlin đã đề nghị đầu tư 1 tỷ euro vào mạng lưới khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ nếu Washington không tiếp tục áp lệnh trừng phạt chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - tuyến đường dẫn khí đốt từ Nga sau Đức.
 Đức đề xuất tái trợ 1 tỷ euro để xây dựng 2 cảng nhằm mục đích nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ để cứu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Các nguồn tin của tờ Die Zeit trích dẫn bức thư từ Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gửi cho người đồng cấp Mỹ Steve Mnuchin cho biết, Berlin sẵn sàng đầu tư để xây dựng hai cảng tiếp nhận LNG từ Mỹ, đổi lại  Washington sẽ cho phép hoàn thành và đi vào vận hành tuyến đướng ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Cũng theo tờ Die Zeit, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về tương lai của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 24-25/9, sau vụ việc nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny nghi bị đầu độc.
Hôm 22/8, nhà lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny được đưa tới Berlin để điều trị theo nguyện vọng của gia đình. Sau đó, Anh và Đức tuyên bố ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok, loại chất độc thần kinh từ thời Liên Xô, được cho là từng được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018.
Tuy nhiên, các bác sĩ Nga khẳng định rằng loại chất độc này không được phát hiện trong cơ thể của ông Navalny trong thời gian ông nhập viện ở Omsk.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện đang đối mặt sức ép khi phương Tây đang kêu gọi cần phải có hành động mạnh mẽ để trừng phạt Nga nếu Moscow không đưa ra lời giải thích cho điều mà Berlin coi là nỗ lực sát hại ông Navalny.
Mỹ và Đức vốn bất đồng sâu sắc trong vấn đề thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 mà Berlin là một đối tác xây dựng.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các nước EU nên phụ thuộc vào khí hóa lỏng của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu cho rằng, họ ưu tiên sự đa dạng hóa nguồn năng lượng và Dòng chảy Phương Bắc 2 là một trong số đó.
Trước đó, hôm 4/6  một số thượng nghị sĩ Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội dự luật trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Dự luật này đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm, tham gia bảo hiểm cho các tàu thi công lắp đặt đường ống dẫn khí đốt nói trên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cho đến nay vẫn kiên định ủng hộ dự án trên, vừa cho biết việc có tiếp tục dự án hay không sẽ là quyết định của các đối tác EU, song trước tiên đang cần đợi câu trả lời của Nga về việc làm sáng tỏ vụ ông Navalny nghi bị đầu độc.
Dòng chảy phương Bắc 2 liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Dự án trị giá 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.

Hiện Dòng chảy Phương Bắc 2 đã thực hiện được 93% phần tuyến đường ống, song đang phải tạm dừng từ tháng 12/2019 sau khi công ty đặt đường ống Allseas có trụ sở tại Thụy Sĩ không tiếp tục thi công do lệnh trừng phạt của Mỹ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần