Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh tại phiên xét xử ngày 20/7. Ảnh: Công Tiến |
Khác với ngày xử đầu tiên, khi tòa dành gần trọn cả ngày để thẩm tra lý lịch của các bị cáo cũng như những người có liên quan đến vụ án. Qua buổi thẩm tra, trong những cá nhân có liên quan trong vụ án cũng có thể dễ dàng nhận ra những cái tên đã nổi tiếng trên truyền thông như: Bà Nguyễn Thị Như Loan, ông Nguyễn Quốc Cường, bà Nguyễn Ngọc Huyền My (thuộc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai); ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích (thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát).
Ngoài ra còn có bà Hứa Thị Phấn - người từng nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Trust Bank sau này được Danh đổi thành Ngân hàng VNCB. Tuy nhiên, những người có tên trên đa số đều ủy quyền cho người khác tham dự, ngoại trừ bà Bích. Về phía các tổ chức có liên quan, thì hàng loạt ngân hàng có tên như: Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam… đều được HĐXX triệu tập. Tại phiên tòa, bị cáo Danh cho biết, sức khỏe của mình đang gặp vấn đề khiến trí nhớ giảm sút. Theo lời bị cáo này, ngay cả năm sinh của con hiện cũng không thể nhớ. Tuy nhiên, HĐXX vẫn quyết định tiếp tục phiên xét xử với sự “túc trực” của lực lượng y tế và xe cứu thương chờ sẵng. Theo cáo trạng được công bố tiếp trong phiên tòa, từ cuối năm 2012 - 2013, bị cáo Danh đã chỉ đạo cho thuộc cấp lập hồ sơ cho Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và nhiều người thân quen khác vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ để trả tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích khoảng 730,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chứng từ này không thể hiện rõ việc chi lãi suất mà chỉ là chứng từ viết tay hoặc chuyển tiền thông thường. Về mối quan hệ giữa Danh và bà Bích cũng có sự không nhất quán khi bà này cho biết không có quan hệ gì với bị cáo. Bà Bích nói chỉ quen với Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang “phố núi” và đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) vào đầu năm 2012 khi người này gọi điện thoại mời gửi tiền vào VNCB. Việc giao dịch, gửi tiền tại VNCB, bà Bích đều thông qua Hoàng Đình Quyết - Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn. Về việc Danh vay tiền của bà Bích cũng lại thông qua nhân vật Trang. Qua nhân vật này, Danh thỏa thuận, thống nhất với bà Bích việc điều chuyển tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định và bà Bích thực hiện các thủ tục theo quy định để VNCB chuyển tiền vào các tài khoản đó hợp pháp. Khi nào đến hạn trả nợ thì bà Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do bà này chỉ định. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, Danh và bà Bích đã có 16 lần giao dịch với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân hơn 17.761 tỷ đồng. Trong đó, có 16.260 tỷ được chuyển đến tài khoản của Danh. Sau đó, Danh sử dụng số tiền trên để trả nợ cho các khoản vay trước đó của Trần Ngọc Bích, một phần dành để đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân. Khi được hỏi về khoản tiền 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong tài khoản của Trần Ngọc Bích), bà Bích cho biết, sau khi tiền được chuyển vào tài khoản thì nó đã được tự ý chuyển đi mà không nhận được sự đồng ý của bà. Ngoài ra, bà Bích cũng không thừa nhận cho Danh vay tiền…