Ngay cả đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng thừa nhận thực tế này khi cho rằng, những kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhiệm vụ, còn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hàng năm, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý lên tới hàng chục nghìn vụ, với trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên vi phạm không những không giảm mà thậm chí còn gia tăng qua từng năm. Hàng giả, hàng nhái khá đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và linh hoạt về giá cả. Chúng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ các sản phẩm uy tín trong nước cho đến những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Thậm chí, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả. Vi phạm cũng diễn ra cả trên bộ, trên biển, trên không, đường mòn, lối mở, sâu trong nội địa... Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ. Lợi dụng sự thiếu quan tâm của các DN trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm cũng như tâm lý sính ngoại thiếu kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng nhái, hàng giả vì thế liên tục gia tăng cả về số lượng lẫn quy mô.Thực tế trên đã tồn tại trong nhiều năm qua, và đều được chỉ ra trong báo cáo của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, việc xử lý, ngăn chặn trong thời gian dài vẫn không có nhiều chuyển biến. Trong khi thực tế buôn lậu, gian lận thương mại liên tục thay đổi về hình thức, quy mô, đa dạng về thủ đoạn và phương thức hoạt động, có sự cấu kết chặt chẽ, nhiều trường hợp manh động, thì các biện pháp phòng, chống lại luôn… bị động. Bị động khi hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý. Trang thiết bị chuyên dùng của các lực lượng chức năng còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Và đặc biệt trong nhiều trường hợp vẫn mạnh ai lấy làm, thiếu sự phối hợp xử lý, thậm chí không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ thực thi công vụ.Nhiều giải pháp mới đã được bổ sung, trong đó quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cho thấy cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đòi hỏi thế chủ động hơn, dự báo tốt hơn diễn biến, xu hướng của thị trường giúp tăng hiệu quả trong việc bảo vệ những doanh nghiệp, ngành hàng làm ăn chân chính. Đó cũng là đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình hội nhập hiện nay khi mà những quy định về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại… ngày càng chặt chẽ hơn.