Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi hài hậu sốt đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội liên tục xuất hiện các vụ vỡ nợ "tín dụng đen". Dân buôn bán, môi giới đất đai cũng chột dạ. Sau cơn sốt đất rầm rộ, thị trường nhà đất gần như đóng băng dù giá đất đã hạ nhiệt. Dân buôn đất chính hiệu đứng ngồi không yên, tìm cách gỡ vốn, lấy tiền trả lãi ngân hàng. Một trong những cách kiếm tiền ấy chính là làm môi giới, cho vay nặng lãi mà họ gọi bằng cái tên mĩ mi

Nhà đầu tư "tháo chạy"

Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy được coi là lãnh địa hoạt động của giới buôn bán bất động sản ở Hà Nội. Những văn phòng môi giới, tư vấn nhà đất, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tụ về đây khá nhiều, giao dịch sôi động, đặc biệt là khoảng thời gian giữa năm 2010. Thế mà nhiều tháng nay, dân buôn đất gọi đây là địa bàn hoạt động của những người khốn khổ.

Anh Trần Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản SH đưa ra nhận xét: "Càng hoành tráng bao nhiêu thì càng khốn khổ bấy nhiêu". Anh đúc rút từ chính công việc kinh doanh của mình và đồng nghiệp: "Những người bỏ nhiều tiền ra đầu tư đất đai, lúc đầu thu lợi lớn, rồi dồn cả vào đầu tư nhiều lô biệt thự, nhiều dự án, không có tiền thì vay vốn. Lúc đó, có khối tài sản khổng lồ như thế là hoành tráng lắm. Không ngờ, khi thị trường nhà đất đóng băng, đương nhiên bị chôn vốn một chỗ mà còn phải trả lãi hàng tháng. Càng đầu tư nhiều, càng trả lãi cao. Khốn khổ là ở chỗ đó!".

Cái danh từ mới "cà phê bất động sản" xuất hiện sau những cơn sốt đất. Đây là nơi mà giới kinh doanh bất động sản thường dùng để giao dịch, trao đổi, tư vấn, giới thiệu nhà đất bên ly cà phê. Cái tên thể hiện đặc trưng của các vị khách khi tìm đến uống cà phê. Phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa có tới gần chục quán cà phê mang tên như thế. Ngồi trong một quán cà phê bất động sản, anh Trần Thanh cho tôi xem một tờ giấy đặt cọc viết tay mua đất dự án.

Anh kể: "Tôi đưa 400 triệu đồng đặt cọc cho một người môi giới để mua 4 lô đất liền kề dự án Thanh Hà từ năm 2010 (mỗi lô 100 triệu đồng). Thế nhưng, sau một thời gian thì anh ta (người ký nhận trong giấy đặt cọc) bỗng dưng biến mất, không liên lạc được. Tôi tìm đến nhà anh này trên Đê La Thành để hỏi cũng chỉ gặp được vợ anh ta. Vợ anh ta trả lời rằng không biết những việc mua bán, kinh doanh của chồng. Tôi đã cất công nhiều lần tìm anh này để lấy lại số tiền 400 triệu đồng nhưng không thể tìm được. Nếu không tìm được, tôi sẽ tố cáo với Công an về hành vi lừa đảo này".

Anh Nguyễn Trần N. ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội được đánh giá là một nhà đầu tư trẻ, táo bạo trong lĩnh vực kinh doanh nhà đất. Anh mua những lô đất của người dân xung quanh huyện Đông Anh và Sóc Sơn khi giá còn thấp, chỉ từ 10 - 12 triệu đồng/m2, rồi nó đột ngột tăng gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi. Nếu bán vào thời điểm sốt đất, anh có thể thu lãi hàng chục tỷ đồng. Nhưng đang đà đất lên, anh lại vay thêm ngân hàng, mua tiếp 2 mảnh nữa ở giáp đường cao tốc Bắc Thăng Long, định "lướt sóng". Chẳng ngờ, vừa mua xong, đất chững lại. Anh rao bán, chẳng ai mua vì tất cả đang dừng lại nghe ngóng. Trong khi tiền lãi trả ngân hàng hàng tháng vẫn phải đầy đủ, tiền đầu tư thì chôn tại chỗ, không lấy ra được. Bí quá, anh N. phải bán cả chiếc xe ôtô phương tiện đi lại để lấy tiền trả ngân hàng. Có lần, anh bộc lộ ý định: "Có khi em phải đi xa một thời gian. Khi nào thấy tình hình ổn hơn, bán được đất trả nợ thì em quay về…".

 Đổi nghề, bán gia sản trả lãi

Một nhà kinh doanh đất than thở: "Bây giờ chúng tôi đang phải giật gấu vá vai, "lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược" mà cho qua cái thời nhà đất đóng băng". Thấy tôi có vẻ không hiểu, anh giải thích thêm: "Thì phải chuyển công việc khác, kiếm tiền trả lãi, cầm cự để lấy ngắn nuôi dài vậy chứ sao".

Anh Vũ T. Ngọc có cổ phần lớn trong một công ty bất động sản trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Suốt thời gian qua, không kiếm được tiền từ việc kinh doanh đất, anh cùng một đồng nghiệp xoay xỏa, tìm địa điểm kinh doanh cà phê bi-a. Nhưng, sau nhiều tháng không tìm được nơi mở quán, anh lại chuyển sang mở hiệu cầm đồ tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Anh Ngọc cung cấp cho tôi danh sách nhiều đồng nghiệp đã đổi nghề như: Chị Hoa ở Công ty SH chuyển sang mở quán cà phê ở khu đô thị Trung Văn, huyện Từ Liêm; anh Đức cùng công ty anh thì mở đại lý bán vé máy bay trên phố Huỳnh Thúc Kháng; có anh đặt trụ sở văn phòng môi giới nhà đất tại nhà thì kinh doanh luôn hàng nội thất ở tầng một, khu đô thị Văn Khê…

Nói về các "cò đất" chuyển nghề, anh Trần Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản SH nêu một nguy cơ đáng lo ngại. Gần đây do lượng giao dịch nhà đất ít nên không ít người chuyển sang môi giới cho vay nặng lãi. Họ mượn danh nghĩa công ty kinh doanh bất động sản để vay vốn rồi cho vay với lãi suất cao, trung bình ở mức 3.000đ/1 triệu đồng/ngày. Một số nhà đầu tư kinh doanh đất thì chuyển sang nghề cầm đồ. Nhưng, thứ đồ mà họ nhận cầm chỉ là đất và ôtô.

Tôi tìm đến cửa hàng cầm đồ của anh Nguyễn Tiến V., ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Anh V. vừa mới chuyển nghề sang mở tiệm cầm đồ chưa đầy một tháng. Anh tâm sự, nhận thấy tình hình nhà đất đóng băng, nhiều nhà đầu tư lo chạy vốn, anh chuyển sang cầm ôtô, đất và cho vay tài chính. Mỗi chiếc xe ôtô khách đặt vay sẽ tính lãi suất 2.000đ - 2.500đ/1 triệu đồng/ngày, tùy loại xe, chất lượng xe mà cho vay số lượng bao nhiêu. Đối với tài sản là nhà đất, anh chỉ cho vay giá trị 50% mảnh đất hoặc nhà. Ví dụ mảnh đất có giá trị 1 tỷ đồng thì anh chỉ cho vay ở mức cao nhất là 500 triệu đồng. Nếu đất có sổ đỏ thì anh sẽ cầm sổ đỏ, làm công chứng. Nếu tài sản là đất dự án thì khách và văn phòng sẽ làm công chứng ủy quyền, kèm theo giấy viết tay.

Thời gian cầm đồ, cho vay lãi rất ngắn, chủ yếu là 15 đến 20 ngày, lâu nhất là một tháng. Khi thỏa thuận đã thực hiện xong thì tiến hành hủy văn bản công chứng. "Thủ tục hủy công chứng cũng rất đơn giản mà" - Anh V. lý giải. Từ khi mở cửa văn phòng cầm đồ đến nay, anh V. đã có được kha khá khách hàng. Trước khi tôi rời khỏi văn phòng, anh V. còn dặn với theo: "Có ai đặt nhà đất hay ôtô thì cứ gọi tôi nhé!".

Thị trường nhà đất diễn biến bất thường với những cơn sốt thật ảo lẫn lộn đã gây ra một hiệu ứng cho xã hội. Tình trạng mua bán liều lĩnh, thiếu cân nhắc, thậm chí là vay lãi để đầu cơ đất, "lướt sóng" đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lao đao. Hiện tượng gia tăng nhà đầu tư, kinh doanh, môi giới nhà đất chỉ trong thời gian ngắn, rồi họ lại đua nhau chuyển nghề cho thấy rõ điều đó. Trước sự quẫn bách vì tiền bạc, không ít người lao vào con đường làm ăn phi pháp khi cho vay nặng lãi, môi giới cho vay nặng lãi. Hậu quả sẽ rất khó lường