KTĐT - Khi xem lại hồ sơ của những vụ tự tử của sao Hàn trong những năm gần đây, có thể thấy, nguyên nhân chung dẫn đến những kết cục bi thảm mà người nổi tiếng ở nước này phải gánh chịu là do họ bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Chưa bao giờ, giới showbiz Hàn Quốc lại nhuốm bầu không khí đau buồn như vài năm trở lại đây. Bên cạnh sự ra đi được báo trước của một số ít ngôi sao vì bệnh tật, tai nạn thì phần lớn những cái chết còn lại đều là do tự tử. Có rất nhiều lý do khiến cho những con người tài năng và bạc mệnh ấy lựa chọn một kết cục thảm hại nhất cho cuộc đời mình vì không chịu nổi áp lực.
Sự phát triển kinh tế Hàn Quốc khiến tốc độ cuộc sống tại đây nhanh hơn và áp lực nhiều hơn so với nơi khác. Đó là lý do vì sao một báo cáo của AFP cho biết tỷ lệ tự sát tại Hàn Quốc cao thứ 3 trên thế giới với trung bình 18,7 vụ trên 100.000 dân mỗi năm. Nhiều người nghĩ rằng các vụ tự sát chỉ đến với người nghèo cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền và không bao giờ chạm vào giới thượng lưu. Nhưng trên thực tế, những người nổi tiếng, giàu có lại hay tự sát nhất.
Tự tử vì thất tình, hôn nhân tan vỡ
Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến bi kịch của các ca sỹ, diễn viên nổi tiếng xứ Hàn chính là nỗi bất hạnh về mặt đời tư, đặc biệt là vấn đề liên quan tới tình yêu và hôn nhân. Các ngôi sao nữ thường dễ trầm cảm và suy sụp vì nguyên nhân này.
Bạn bè và người thân của Choi Jin Sil đều xác nhận rằng cô bắt đầu trở nên suy sụp và có dấu hiệu trầm cảm nặng sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Cô bắt đầu sử dụng thuốc an thần ngày một nhiều hơn và cho thấy sự xuống tinh thần nghiêm trọng.
Nữ diễn viên trẻ Woo Seung Yeon cũng bị mắc bệnh trầm cảm suốt một thời gian dài do cú sốc thi trượt trong một lần thử vai và tan vỡ tình yêu với người bạn trai lâu năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho Woo Seung Yeon tự kết liễu cuộc đời mình.
Tự tử vì làm ăn thua lỗ
Đây là nguyên nhân dẫn đến các chết của rất nhiều sao nam. Ví dụ như trường hợp của Lee Seo Hyun, người tìm tới cái chết là do sự thất bại từ đầu tư chứng khoán. Bạn bè, gia đình và người thân cho biết Lee Seo Hyun đã đầu tư một khoản tiền rất lớn từ vay mượn bạn bè vào việc mua cổ phiếu.
Không may cho Lee, thị trường chứng khoán liên tục rớt giá và Lee rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một vài chủ nợ đã đến gặp Lee đòi nợ, uy hiếp công bố thông tin nếu Lee không mau chóng “giải ngân”. Áp lực trong công việc, bế tắc trong tài chính đã dẫn tới hành động tự giải thoát của Lee.
Nhiều trường hợp khác như nam ca sĩ Lee Chang Yong, nam diễn viên Ahn Jae Hwan cũng là nạn nhân của vòng xóay nợ nần và khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009 trên các sàn chứng khóan châu Á.
Sự kỳ vọng quá lớn của các fan hâm mộ
Chính sự trông đợi quá lớn của các fans vào thần tượng của họ khiến các ngôi sao luôn bị áp lực phải xây dựng cho mình một hình ảnh thật hoàn hảo. Công chúng Hàn Quốc không thích thấy các thần tượng của họ làm những công việc tầm thường như một người bình thường vẫn làm, các ngôi sao phải luôn giữ vững hình ảnh lung linh của mình trong mắt công chúng mọi lúc mọi nơi. Bởi vậy, chính bản thân những người nổi tiếng cũng không thể chấp nhận được bản thân mình khi họ phạm phải một chút sai lầm dù là nhỏ nhất.
Hội chứng đua nhau tự tử không chỉ mang lại sự đau thương cho gia đình, bạn bè những nạn nhân mà còn gây lên những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Có rất nhiều người vì quá đau buồn trước sự ra đi của thần tượng đã quyết định tử tử theo.
Đây là hiện tượng mà báo giới Hàn Quốc gọi là “trào lưu tự tự cộng hưởng”. Cái chết của các ngôi sao đã thổi bùng lên hội chứng “noi gương” lẫn nhau, dẫn đến chuyện những người nổi tiếng và không nổi tiếng thi nhau tự tử. Những mối lo ngại này trở thành sự thực khi đã xuất hiện nhiều bản báo cáo về một số nạn nhân đã tự kết liễu đời mình với đúng cách mà các sao đã làm.
Bi kịch của sự nổi tiếng
Khi xem lại hồ sơ của những vụ tự tử của sao Hàn trong những năm gần đây, có thể thấy, nguyên nhân chung dẫn đến những kết cục bi thảm mà người nổi tiếng ở nước này phải gánh chịu là do họ bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Dư luận Hàn Quốc quá khắt khe với các ngôi sao. Họ luôn bị săm soi. Khi làm những việc tốt, họ được cả cộng đồng tung hô, nhưng chỉ cần có một việc gì đó không tốt, họ sẽ bị dè bỉu và công kích không thương tiếc.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, người Hàn Quốc rất coi trọng danh dự và khi bị tổn thương, họ thường chọn cách cực đoan để lấy lại danh dự cho mình. Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý vẫn bị đẩy ra rìa ở đất nước ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo này.
Mức độ cạnh tranh trong làng giải trí Hàn Quốc là rất lớn, do vậy những người được coi là người của công chúng luôn bị áp lực đè nặng. Chỉ cần một sai sót nào đó khiến người hâm mộ quay lưng lại là họ sẽ bị… thất sủng và thất nghiệp luôn. Do đó, lúc nào họ cũng tâm niệm trong đầu là phải luôn luôn cố gắng hết sức để bảo vệ hình ảnh của mình trong mắt khán giả.
Có rất nhiều diễn viên của ngành giải trí Hàn Quốc đang bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng luôn cố gắng để giấu nhẹm những vấn đề thần kinh mình gặp phải vì sợ bị coi là điên khùng, bị cộng đồng xa lánh, sợ bị fan tẩy chay,... Và một khi sự căng thẳng ấy đến ngưỡng không thể chịu nổi, họ sẽ tìm cách tự sát để giải phóng bản thân mình.
Làm thế nào để ngăn chặn hội chứng tự tử?
Chỉ trong vòng vài năm đã có tới hàng chục ngôi sao tên tuổi ra đi khi đang ở đỉnh cao của thành công và sự nghiệp. Liệu làn sóng đó có chấm dứt trong tương lai? Không ai biết. Tự sát là chuyện của mỗi người nhưng nó có tác động từ xã hội. Các sao Hàn cần phải biết tự làm giảm áp lực trong công việc và người hâm mộ Hàn Quốc cũng đừng đòi hỏi nhiều ở các sao rằng họ phải hoàn mỹ bởi sự đòi hỏi chính là sức ép.
Xin dẫn lời bác sỹ tâm thần học Oh Kang-Seob của Hàn Quốc: "Khủng hoảng tâm lý quả thật là xu hướng đáng báo động. Nó là một căn bệnh có thể chữa khỏi nếu được điều trị và uống đúng thuốc. Tự tử cũng có thể được ngăn chặn. Người Hàn phải thay đổi quan niệm lỗi thời về nhìn nhận người rối loạn tâm thần và phải không do dự đến gặp bác sĩ lập tức khi phát hiện có dấu hiệu khủng hoảng tâm lý”.
Tuy vậy, để nạn tự tử không còn là một "dịch bệnh lây lan" trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc, đã đến lúc chính phủ nước này cần phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay hơn nữa để có đủ sức răn đe, ngăn chặn những tin đồn thất thiệt nhằm bôi họ thanh danh người khác trên internet.