Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi kịch của tham vọng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đảo chính quân sự vừa rồi ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chóng vánh và đã thất bại.

Nhưng không phải vì thế mà nó không để lại những hệ lụy, không gây ra tác động và hậu quả gì đối với hiện tại và tương lai của đất nước này. 

Trái lại, nhiều khả năng nó báo hiệu những biến động dữ dội mới về mọi phương diện trong thời gian tới, lành ít và tồi tệ nhiều đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chặn xe tăng của phe đảo chính sau lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chặn xe tăng của phe đảo chính sau lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan.
Điều chắc chắn là một bộ phận trong giới quân sự ở nước này đã tiến hành cuộc đảo chính và ban lãnh đạo giới quân sự không có sự đồng thuận quan điểm về đảo chính để lật đổ quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan đã không bị lật đổ bởi những kẻ tiến hành đảo chính tỏ ra thiếu chuyên nghiệp và bản thân ông Erdogan đã biết cách tận dụng các mạng xã hội để kêu gọi dân chúng đứng lên phản đối đảo chính và bảo vệ Tổng thống. Việc ông Erdogan lập tức đổ cho đối thủ chính trị đáng gờm nhất - nhưng đang lưu vong ở Mỹ - chủ mưu đảo chính và cộng sự của ông Erdogan thậm chí còn cáo buộc Chính phủ Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính cho thấy ông Erdogan đang tìm cách tận lợi tối đa từ cuộc đảo chính thất bại này.

Nhìn bề ngoài, thất bại của cuộc đảo chính là thắng lợi của ông Erdogan. Vị Tổng thống này sau khi thoát hiểm sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ đảo chính và liên quan đến đảo chính. Ông Erdogan làm việc này nhanh chóng đến mức tạo ấn tượng là đã có sự chuẩn bị danh sách sẵn từ trước và ông âm mưu tổ chức tiến hành đảo chính quân sự chống lại chính mình để có cớ đàn áp những lực lượng chống đối và tiếp tục tập trung quyền lực hơn nữa vào tay mình.

Trong thực chất, dù bị đảo chính hay mưu kế giả vờ bị đảo chính quân sự thì tác động cũng đều chẳng tốt đẹp gì đối với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu giới quân sự bất kỳ khi nào cũng có thể tiến hành đảo chính quân sự để giành quyền thì an ninh chính trị và ổn định xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ luôn bị đe dọa, nền tảng quyền lực của ông Erdogan không hề vững chắc và mối quan hệ giữa giới quân sự và Chính phủ, đặc biệt với cá nhân ông Erdogan, tiềm tàng nhiều mâu thuẫn đối kháng mà bất kỳ khi nào cũng có thể bùng phát thành đối địch quyền lực.

Nếu ông Erdogan tự dàn dựng màn kịch đảo chính thì nền dân chủ ở nước này sẽ hướng tới trở thành một nền dân chủ giả tạo bởi thực quyền rồi sẽ dần về tay một nhà độc tài. Khi đó sẽ lại mất an ninh chính trị và ổn định xã hội, lại xung khắc về tôn giáo và sắc tộc, lại đối kháng quyền lực giữa Tổng thống và giới quân sự. Và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cô lập trên thế giới về chính trị.

Cả hai khả năng lý giải cuộc đảo chính quân sự thất bại này đều đưa đến bi kịch mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan giờ đứng trước sự lựa chọn giữa trả giá cho tham vọng quyền lực của mình hay tiếp tục tham vọng quyền lực ấy bằng mọi giá.