Đây là lần đầu tiên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN. Vậy, ông có kiến nghị gì gửi tới Chính phủ?
- Chúng tôi là DN hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ nano phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y sinh, xử lý môi trường… Công nghệ nano là công nghệ sạch đảm bảo cho phát triển bền vững rất được các nước phát triển khuyến khích phát triển.
Ở Việt Nam, sản phẩm công nghệ nano hiện chưa có nhiều, chủ yếu là chuyển giao công nghệ từ các nước. Tuy nhiên, thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mất rất nhiều thời gian và hoàn toàn không có giới hạn. Do đó, tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN và các bộ khác sớm có quy định cụ thể vấn đề này, vì công nghệ nano từ lâu đã được coi là công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.
Hai là, đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã có đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế, đăng ký giải pháp hữu ích, được cơ quan Nhà nước đánh giá và thẩm định giá thì cần phải được coi là tài sản của DN, được ngân hàng chấp thuận cho vay tín chấp tạo thuận lợi cho DN. Điều này rất quan trọng đối với các DN công nghệ cao. Ba là, các bộ như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN cần thường xuyên có sự đánh giá, khen thưởng để động viên các DN dấn thân làm về KHCN. Bốn là, cần giảm thời gian đăng ký của các sản phẩm nước ngoài vào Việt Nam. Nếu thời gian kéo dài gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí thì DN không muốn làm công nghệ cao nữa, họ sẽ chỉ làm cái dễ, cái đơn giản, điều này sẽ gây thiệt hại cho thị trường và nền kinh tế.
Thời gian đăng ký cấp phép đưa một ứng dụng công nghệ cao ở nước ngoài về Việt Nam tối đa là bao lâu, thưa ông?
- Không có quy định hay giới hạn nào về thời gian đăng ký. Hiện nay, công ty tôi đang làm đăng ký một sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản về kháng khuẩn, diệt khuẩn cho nông nghiệp (diệt H5N1, diệt tai xanh…). Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không có hướng dẫn cụ thể nào về việc đăng ký mà DN phải tự mày mò.
Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận cho sản phẩm phân bón sử dụng công nghệ nano cho rau sạch. Sản phẩm đã nhận đủ mọi bằng sáng chế và ứng dụng ở Nhật Bản 11 năm nhưng về Việt Nam thì vẫn phải chờ đợi rất lâu để đăng ký.
Công ty chúng tôi làm về công nghệ nano đã 6 năm với 3 bằng sáng chế, 5 chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, 1 giao quyền từ Bộ KH&CN. Chúng tôi mong rằng, thời gian đăng ký để đưa sản phẩm công nghệ mới về Việt Nam được rút ngắn lại, tạo thuận lợi cho DN phát triển công nghệ.
Vậy những thủ tục, giấy phép con nào trong quá trình cấp giấy phép đối với sản phẩm công nghệ cao cần được loại bỏ?
- Chẳng hạn, sau khi đăng ký sản phẩm thực phẩm chức năng ứng dụng công nghệ nano, nếu chúng tôi muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài phải có giấy phép CFS - muốn có giấy phép này phải đăng ký xin phép một lần nữa. Theo tôi, nên rút ngắn lại, đã đăng ký sản phẩm thương mại tại Việt Nam thì cấp luôn CFS. Như cách làm hiện nay chúng tôi mất 45 - 60 ngày cộng thêm khoản phí cho cơ quan cấp phép. Tại sao không gộp chung 2 giấy phép để tạo thuận lợi cho DN?
Đã có DN công nghệ nào vì bị “hành” thủ tục mà rời bỏ lĩnh vực kinh doanh này?
- Theo tôi được biết, rất nhiều DN đã phải từ bỏ ngành nghề kinh doanh này vì quá mệt mỏi với các thủ tục và rào cản pháp lý về KHCN. Nếu cứ đặt ra các rào cản vô lý thì sẽ chẳng có DN nào muốn đổi mới sáng tạo. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng, chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nói, đổi mới sáng tạo hiện đang rất kém. Để thay đổi tình hình này, chúng tôi mong Chính phủ sớm gỡ bỏ các rào cản để DN tập trung cho đổi mới sáng tạo, phục vụ đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh: Kỳ vọng sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ DN hội nhập Cuộc gặp Thủ tướng với DN năm 2016 đưa ra những cam kết kịp thời đối với cộng đồng doanh nhân, làm cho doanh nhân có niềm tin nhiều hơn nữa đối với người đứng đầu Chính phủ. Chỉ có hành động - cam kết song hành như vậy mới tháo gỡ - thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các tổ chức và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, DN cũng kỳ vọng Chính phủ mới sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ DN hội nhập quốc tế. Cụ thể: Nguồn vốn hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư, cử các chuyên gia hỗ trợ kỹ năng, quản trị nội bộ, mở các lớp đào tạo cho nhân sự cấp cao, nguồn vốn lãi suất thấp để các DN đầu tư đổi mới khoa học công nghệ… Nhiều ý kiến DN mà Hiệp hội ghi nhận được thời gian qua tập trung vào đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo hộ cho các DN kinh doanh tốt... Đó chính là giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ T-Tech Việt Nam Nguyễn Đình Trọng: Việc xác định vai trò của DN trong nền kinh tế là cực kỳ quan trọng Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành tổ chức gặp gỡ các DN là một việc bức thiết để chuẩn bị sẵn sàng hành trang tốt nhất cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Chỉ đạo, điều hành, các chính sách của Chính phủ không thể nói sẽ một sớm một chiều có thể đi vào cuộc sống, sát với thực tế DN…, tuy nhiên, cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng DN là sự nhắc nhở các cấp, các ngành phải quan tâm đến sự phát triển của DN. Hiện, việc xác định vai trò của DN trong nền kinh tế là cực kỳ quan trọng, nhất là khối DN dân doanh. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã có những chỉ đạo mang tính định hướng để các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành nhìn nhận xử lý các vấn đề kinh tế theo luật, khích lệ sự phát triển, giám sát thực thi pháp luật nghiêm minh, tránh sự lạm quyền, tất cả vì mục tiêu hỗ trợ để DN phát triển. Mong rằng qua cuộc này sẽ tạo ra được hiệu ứng để các cơ quan thực thi đúng tinh thần chỉ đạo nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Khắc Kiên ghi
|