Trong câu chuyện của mình, ông Phạm Sông Thao, người đã 13 năm “vác tù và hàng tổng” ở địa phương, trong đó có 6 năm làm Bí thư chi bộ chia sẻ, là người đứng đầu chi bộ, bản thân ông luôn trăn trở, tìm giải pháp để đưa chi bộ và khu dân cư không ngừng phát triển toàn diện, vững chắc; trở thành khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, gương mẫu đi đầu trong toàn phường.
Năm 2019, thực hiện chủ trương của UBND quận Thanh Xuân, tổ dân phố số 6 thuộc khu dân cư số 3 là tổ duy nhất của phường Kim Giang được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình tổ dân phố văn hóa “5 không” (Không rác; không tệ nạn; không hộ nghèo; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng). Thanh Xuân là quận đầu tiên thí điểm mô hình này tại 16/317 tổ dân phố. Kết quả, có 8 tổ được UBND quận Thanh Xuân công nhận tổ dân phố văn hóa “5 không”, trong đó có tổ dân phố số 6 phường Kim Giang.
Ông Phạm Sông Thao |
Theo ông Phạm Sông Thao, trước đây, trên địa bàn tổ dân phố số 6 xuất hiện nhiều điểm chân rác khó giải quyết. Khi được chọn làm điểm mô hình “5 không”, tổ đã giao trách nhiệm đến hệ thống chính trị khu dân cư trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp. Chi bộ đã vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời thành lập 2 tổ công tác làm nòng cốt, thực hiện tuyên truyền, vận động, hàng tháng đánh giá kết quả thực hiện.
Chi bộ phân công mỗi đảng viên ở tổ dân phố số 6 và cán bộ cơ sở phụ trách một đoạn đường hay một số hộ dân để thường xuyên tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí “5 không”. Thấy đảng viên kiên trì nêu gương thực hiện, dần dần bà con đều tham gia dọn vệ sinh, thực hiện tốt các nội dung “5 không” trên địa bàn. Từ việc trước đây chỉ làm vệ sinh trên địa bàn vào sáng thứ 7, khi thực hiện mô hình “5 không”, ngày nào người dân cũng tích cực tham gia vệ sinh môi trường.
“Các trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán đã được hệ thống chính trị khu dân cư vận động các hộ thực hiện tốt, không để xảy ra vi phạm. Mô hình “5 không” được người dân hưởng ứng, đã lan rộng sang các tổ dân phố khác trên địa bàn phường. Ngày 28/12 vừa qua, 2 tổ dân phố số 7, 8 còn lại thuộc khu dân cư số 3 đều được nhận danh hiệu tổ dân phố văn hóa “5 không” – ông Thao chia sẻ.
Theo ông Phạm Sông Thao, tất cả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội gắn với đời sống ở khu dân cư, chi bộ đều phải vào cuộc. Nhiệm vụ của bí thư chi bộ vất vả, nếu không có năng lực và lòng nhiệt huyết thì không thể làm được. Nhưng may mắn, các cấp ủy đã kịp thời nắm bắt tình hình tại khu dân cư, từ đó có những định hướng cụ thể xuống từng chi bộ.
Cách đây 1 năm, tại hội nghị đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, ông Phạm Sông Thao là cử tri đưa ra ý kiến đề nghị TP thành lập các đội bắt chó thả rông.
Ông cho hay, tình trạng nuôi chó diễn ra phổ biến ở các khu tập thể và các địa bàn phường, xã. Người dân gặp chó thả rông giữa đường phố phải sợ hãi. Không những thế, chó còn phóng uế bừa bãi, được chủ dắt đi giữa đường không có rọ mõm. Thậm chí, tình trạng chó cắn chết người, chó cắn chủ nhà bị thương diễn ra không hiếm. Mặc dù TP đã có chỉ đạo các quận, huyện, xã, phường xử lý nhưng chưa hiệu quả.
Ngay sau đó, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo triển khai mô hình bắt chó thả rông, thí điểm ở phường Khương Đình rồi nhân rộng ra địa bàn các phường. Mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại” của quận Thanh Xuân đã mang lại hiệu quả, trở thành một phong trào lan tỏa khắp TP, được các quận, huyện học tập kinh nghiệm.