Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Hà Nội từng bước thích ứng linh hoạt với dịch, sớm đưa TP về trạng thái bình thường mới

Linh Nguyễn. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "TP quán triệt chủ trương và chỉ đạo triển khai phương pháp, kế hoạch tốt để tổ chức thực hiện, phòng ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại, mở từng bước chắc chắn để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, sớm đưa TP về trạng thái bình thường mới..." - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP khẳng định.

Sáng nay (14/10), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội chủ trì buổi làm việc của Đoàn ĐB Quốc hội khóa XV TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VIệt Nam TP trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Dự buổi làm việc có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương. Cùng dự có các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; các đại biểu Quốc hội TP khóa XV TP; lãnh đạo các sở, ngành TP…
 Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc
Thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế gắn với kiểm soát dịch
Thay mặt lãnh đạo UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã báo cáo về kết quả phát triển KT-XH, QP-AN của TP 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021. Trong đó đáng chú ý, trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận 4.323 ca mắc nhưng trong 14 ngày gần nhất, số ca nhiễm đã giảm 48% so với 14 ngày liền trước. TP đã tiêm 8,76 triệu mũi vaccine Covid-19; tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 97,95%, mũi 2 đạt 47,4%; nếu tiến độ phân bổ vaccine được đảm bảo thì trong tháng 11, tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine cho người trên 18 tuổi sẽ đạt trên 70%.
Do dịch bệnh nên hầu hết chỉ tiêu tăng trưởng của TP từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá. Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 9 tháng đạt 178.225 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán T.Ư giao (70,9% dự toán của TP), tăng 6,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, với một số lĩnh vực tăng cao; sản xuất nông nghiệp thuận lợi…
UBND TP dự kiến, chỉ tiêu kinh tế năm 2021 của TP không đạt kế hoạch; các khoản thu về nhà, đất đạt thấp; tiến độ giải quyết cấp đất dịch vụ tiến triển chậm; giải ngân XDCB đạt thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do giãn cách xã hội để phòng chống dịch, giá sắt thép và nguyên vật liệu phục vụ ngành xây dựng tăng cao, vướng mắc GPMB nhưng chưa được giải quyết kịp thời…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP phát biểu tại buổi làm việc  
Trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, TP đặt mục tiêu hoàn thiện các nội dung quan trọng, đảm bảo tiến độ báo cáo T.Ư về: Lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045… Đặc biệt, TP sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế gắn với phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19; tăng tốc trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, đẩy mạnh hoạt động xây dựng, trong đó thành lập và tăng cường hoạt động các tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc về TTHC cho DN, HTX, hộ kinh doanh, khó khăn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị; đảm bảo nguồn thu NSNN của TP; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, kể cả lao động tự do trên địa bàn TP theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/CP và các văn bản liên quan…
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề với Quốc hội như: Quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng các Luật, có quy định cụ thể trong cấp GCNQSDĐ, tăng cường giám sát, tái giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét chuyển các bệnh viện lớn, trường ĐH trong nội thành ra ngoại thành để giảm áp lực dân số và giao thông, có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm trên không gian mạng, có kế hoạch cụ thể về tiêm chủng vaccine cho trẻ 12-18 tuổi…
Tại đây, Chánh án Tòa án Nhân dân TP và Viện trưởng Viện KSND TP đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm của Tòa án Nhân dân 2 cấp TP, Viện KSND TP cũng như nêu những kiến nghị của ngành đối với Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu 
Phòng chống dịch song song mở cửa các hoạt động đảm bảo đời sống người dân
Tại buổi làm việc, nhiều ĐB Quốc hội TP đã có những ý kiến trao đổi rất sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn đối với TP về những vấn đề liên quan.
Trong đó, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá cao kết quả công tác phòng chống dịch của TP Hà Nội trong năm nay. Đồng thời đề nghị: Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và nhiều vấn đề khác phải đối mặt, TP rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người dân, thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin. Đặc biệt, TP cần chỉ đạo mạnh mẽ việc quan tâm cải cách thể chế hành chính, lắng nghe tiếng nói của DN.
ĐB Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất, trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, TP nên tiếp tục có các nghiên cứu, rà soát đánh giá các nguồn lực KH-CN của TP để có chính sách huy động đội ngũ trí thức và thế mạnh của các cơ sở giáo dục vào phục vụ kinh tế…
Theo ĐB Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, phát huy kết quả phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, tới đây TP tiếp tục tạo điều kiện cho các DN hoạt động bằng cách hỗ trợ về cải cách TTHC...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Hà Nội từng bước thích ứng linh hoạt với dịch, sớm đưa TP về trạng thái bình thường mới - Ảnh 4
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - đại biểu Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT góp ý, TP nên tính đến chiến dịch giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Tính toán cho học sinh trở lại trường học tại khu vực ngoại thành; quan tâm đời sống người dân khu vực xả lũ sông Đáy.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa Melatec cũng kiến nghị, TP có tư vấn sâu hơn về y khoa để cho học sinh sớm được đi học trở lại, tránh việc học trực tuyến quá dài.
Phối hợp tốt hơn nữa với Đoàn đại biểu ĐB Quốc hội TP trong đề xuất chính sách

Phát biểu kết luận buổi làm việc, với cương vị Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ những ý kiến kiến nghị từ cử tri, các cơ quan của TP Hà Nội với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Đồng thời nhấn mạnh: Các báo cáo, ý kiến của TP là những thông tin gợi ý thiết thực, làm cơ sở phục vụ cho hoạt động của các ĐB trong Đoàn tại Kỳ họp Quốc hội tới đây. Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đề nghị các ĐB trong Đoàn nghiên cứu, để chuyển tải những kiến nghị này tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan.
“Thời gian qua, nhiều hoạt động của Đoàn ĐB Quối hội TP đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của hường trực Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP. Thời gian tới, đề nghị các cơ quan trên tiếp tục quan tâm phối hợp tốt hơn nữa với Đoàn ĐB Quốc hội TP trong các hoạt động chung của TP cũng như của Đoàn, đảm bảo điều kiện tốt nhất để các vị ĐB trong Đoàn hoạt động có hiệu quả theo nhiệm vụ quyền hạn của mình" - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP nêu rõ.
 Quang cảnh cuộc làm việc
Trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, 9 tháng đầu năm nay, từ TP đến cơ sở đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ công tác. Với tinh thần bình tĩnh, quyết đoán, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước tình hình phức tạp khó lường của dịch Covid-19, TP đã đạt những kết quả khả quan trong công tác phòng chống dịch, kỷ luật kỷ cương của Đảng được tăng cường, hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành uỷ cho biết, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa qua và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Trong đó, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô; mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự. TP sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở, của người đứng đầu, của các tổ Covid-19 cộng đồng; tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, xe cứu thương, xét nghiệm, điều trị. Trước mắt, TP tiếp tục duy trì các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung, điều trị F0, thậm chí phải tiếp tục rà soát, củng cố để sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn khi xảy ra tình huống xấu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng phải đẩy mạnh phục hồi, phát triển mạnh kinh tế, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa TP trở về trạng thái bình thường mới. Ngay tuần tới, TP sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tinh thần đối thoại cũng rất đổi mới, đó là có những vấn đề cụ thể phải được tháo gỡ ngay tại các hội nghị đối thoại, không chờ đợi.

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, TP sẽ tập trung chỉ đạo rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những vấn đề chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định quyết tâm của TP trong việc thực hiện các dự án mang tính chất đột phá, tạo động lực mới cho Thủ đô và đáp ứng đòi hỏi của người dân như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, cải tạo chung cư cũ. Đứng trước những yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu để báo cáo, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có cơ chế khơi thông các nguồn lực để phục vụ phát triển, nhất là nguồn lực chất xám vốn đang là thế mạnh của Thủ đô.

Cũng tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời cụ thể một số kiến nghị của các ĐB, trong đó đồng ý với kiến nghị sớm xem xét cho học sinh trở lại trường học, song cần đánh giá, phân loại, phân vùng để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi trở lại học tập trung.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần