Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: "Phải nhanh hơn, nhạy bén, quyết liệt và quyết đoán hơn trong phòng, chống Covid-19"

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/1, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Chủ trì và chỉ đạo cuộc họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Chử Xuân Dũng; các thành viên trong Ban Chỉ đạo.

Xét nghiệm người từ các ổ dịch tại Quảng Ninh Hải Dương về từ ngày 14/1

Báo cáo tại phiên họp, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong 2 ngày qua, cả nước ghi nhận 84 ca mắc mới. Riêng trong ngày 28/1, có thêm 72 người ở Hải Dương và 10 người ở Quảng Ninh dương tính liên quan đến hai bệnh nhân 1552 và 1553.
  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì và chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội 
Liên quan đến bệnh nhân 1552 tại Hải Dương (em chồng BN dương tính bên Nhật Bản) và các trường hợp mới, đến thời điểm hiện tại Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp F1 hay người liên quan.
Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt thông tin tại Hà Nội có 23 trường hợp F1 liên quan đến BN 1553 tại Quảng Ninh, trong đó có 9 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt thông tin tại Hà Nội có 23 trường hợp F1 liên quan đến BN 1553 tại Quảng Ninh, trong đó có 9 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu CDC và ngành y tế nói rõ nhận định về nguy cơ của Hà Nội. Về việc này, Giám đốc CDC nhận định ổ dịch đã có Hải Dương từ trước đó khoảng 10-14 ngày, do vậy, cần phải khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc tính từ 14/1 trở lại đây. CDC Hà Nội cũng xác định có ổ dịch trong cộng đồng tại khu vực này trước khi xác định ca dương tính tại Nhật Bản.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ngắt lời ông Trương Quang Việt và đặt câu hỏi: “2 ổ dịch trên có liên quan đến nhau không?”. Ông Việt trả lời: “Đây là 2 ổ dịch độc lập, vì các đối tượng này khá độc lập. Trường hợp tại Hải Dương được xác định là biến chủng virus tại Anh – là biến chủng virus siêu lây nhiễm; nguồn lây có thể đến từ các chuyên gia kỹ thuật trong khu công nghiệp. Còn tại sân bay Vân Đồn, nguồn lây có thể liên quan đến các đối tượng nhập cảnh trái phép”.

Cũng tại phiên họp, Liên quan đến 2 trường hợp nghi nhiễm tại Hà Nội, trong đó 1 có địa chỉ thường trú tại Kim Lũ - Sóc Sơn, 1 có địa chỉ thường trú tại Tứ Liên - Tây Hồ, ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đã khẩn trương điều tra khoanh vùng xử lý dịch theo quy định tại Sóc Sơn phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân, các hộ gia đình xung quanh và các khu vực bệnh nhân đến, tại Tây Hồ phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh).
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, tại Việt Nam sau 55 ngày không có ca mắc ngoài cộng đồng, đến sáng nay Bộ Y tế đã công bố các trường hợp mắc ngoài cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh như vậy tác nhân gây bệnh đã lưu hành và tồn tại trong cộng đồng và dịch bệnh hoàn toàn có thể lây lan bùng phát ra các tỉnh thành phố khác trong đó có Hà Nội.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Hà Nội liên hệ chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng, ngành y tế Hải Dương và Quảng Ninh để cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, chủ động giám sát các trường hợp về từ vùng có dịch, xác minh, truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để khoanh vùng xử trí, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh trong việc điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly những người có liên quan tới ổ dịch tại hai tỉnh này để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Rà soát nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh đảm bảo nguồn lực cho việc xét nghiệm trên diện rộng.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát tất cả các trường hợp từ khu vực có ổ dịch ở Quảng Ninh (Sân bay Vân Đồn, KS Mường Thanh Luxury), Hải Dương (TP Chí Linh) về Hà Nội từ ngày 14/1/2021 đến nay để tổ chức cách ly tại nơi lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm.
Thực hiện nhanh chóng công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly
Tại phiên họp, liên quan đến ca bệnh ở Quảng Ninh, huyện Sóc Sơn cho biết có 1 trường hợp ở xã Kim Lũ đã dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 (chưa trở thành bệnh nhân Covid-19). Trường hợp này là nhân viên an ninh ở sân bay Vân Đồn và có tiếp xúc với BN 1553. Huyện rà soát xác định 24 F1, 222 F2 và 500 trường hợp F3.
 Phó Giám đốc Sở Du lịch Ngô Minh Hoàng phát biểu tại phiên họp
Quận Tây Hồ cũng báo cáo về 1 trường hợp cũng là nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn (thường trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cũng có kết quả dương tính lần 1 trong ngày 28/11. Quận đã rà soát 10 F1, 33 F2, 37 trường hợp F3. Học sinh trường Mầm non Tứ Liên (liên quan đến 1 trường hợp F1) đã được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, trên địa bàn quận Ba Đình ghi nhận 1 trường hợp F1 liên quan đến BN 1553 tại Quảng Ninh. Ngay sau khi phát hiện, Quận đã đưa trường hợp F1 này đi cách ly tập trung, phun khử khuẩn khu vực xung quanh nhà; 8 trường hợp F2 cách ly tại nhà; 20 trường hợp F3.
Trong 20 trường hợp F3 đó đáng lưu ý có 17 học sinh của trường THPT Phan Đình Phùng cư trú tại quận Ba Đình; và 17 học sinh này liên quan đến 9 giáo viên và 43 học sinh khác. Trước tình hình trên, quận đề nghị BCĐ có ý kiến với Sở GD&ĐT để trường THPT Phan Đình Phùng cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Tại khu vực trường Phan Đình Phùng, quận đã phun khử khuẩn.
Ngoài ra, Ba Đình cũng đã kích hoạt 192 tổ giám sát cộng đồng với 1772 thành viên để thực hiện công tác điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca nghi nhiễm. Các chốt đảm bảo an ninh trật tự đã được thiết lập ngay từ ngày đầu…
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quận đã được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lưu ý, có 2 trường hợp F1 liên quan đến BN 1553 tại Quảng Ninh thuộc địa bàn phường Mễ Trì và phường Mỹ Đình 2. Các trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm và được chuyển cách ly tập trung tại BV Công an TP.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị bảo đảm lực lượng để khi cần khoanh vùng có thể bố trí đủ nhân lực. Từ 2 tháng nay, đơn vị đã thực hiện nghiêm việc rà soát người nước ngoài, phát hiện 7 trường hợp nhập cảnh trái phép. Công an thành phố cũng đã triển khai công tác phòng, chống dịch tại các trại tạm giam, tạm giữ.
Liên quan đến việc cách ly tập trung tại các khách sạn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ngô Minh Hoàng cho biết, thành phố có 15/18 khách sạn đang tham gia đón khách nhập cảnh. Đến nay, đã có 28.000 khách thực hiện cách ly. Công tác phòng, chống dịch tại các khách sạn được thực hiện đúng quy định. Hiện, có 46 cơ sở đăng ký thêm, Sở Du lịch đang cùng Sở Y tế rà soát các điều kiện để trình thành phố cho phép các cơ sở này thành nơi cách ly tập trung. Sở Du lịch cũng đang yêu cầu các công ty lữ hành và cơ sở lưu trú rà soát số lượng khách đi du lịch tại Quảng Ninh.

Cập nhật thông tin mới nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, đã có thêm ca nhiễm mới liên quan đến các ổ dịch nói trên ở Hải Phòng. "Tại Hà Nội có 1 trường hợp liên quan là bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó thuê nhà tại quận Cầu Giấy. Bộ Y tế đã thông tin tới CDC Hà Nội. Tình hình dịch bệnh Covid-19 rất khác so với giao ban 1 tuần trước. Hà Nội có nguy cơ cao, đẩy lên báo động đỏ" - Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nói.

 Khoảng 3 ngày để truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc, không thể chậm hơn

Chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay từ hội nghị đầu năm, TP đã đặt ra mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu “kép” trong tình hình mới. Trong đó có việc ưu tiên thời gian, công sức và nguồn lực cho việc phòng chống Covid-19 bên cạnh việc lấy lại đà tăng trưởng về kinh tế. “Vì vậy việc các ổ dịch phát sinh ở Quảng Ninh và Hải Dương đã trong dự liệu của Chính phủ, của BCĐ phòng chống dịch Trung ương và TP cũng đã tính toán sẵn sàng cho các trường hợp thế này. Tinh thần chúng ta luôn chủ động, không hoang mang lo lắng. Chúng ta đã vượt qua 3 đợt dịch. Đây là lần thứ 4 và lần đầu của năm 2021. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm…”- Bí thư Thành ủy nói.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Bí thư Thành ủy nêu rõ, tình hình thực tế dịch bệnh rất phức tạp, rủi ro Hà Nội cũng rất lớn. Trong ngày, Thủ tướng cũng phải tổ chức họp gấp ngay tại bên lề Đại hội Đảng. Cho biết, được các đơn vị báo cáo thường xuyên ngay từ tối 27/1, Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc nhanh, hiệu quả của TP khi đã nhanh chóng truy vết, kích hoạt quy trình phòng chống dịch. Bí thư Thành ủy chỉ rõ, việc địa bàn 2 ổ dịch rất gần với Hà Nội, việc giao lưu, đi lại, giao thương với Thủ đô là rất lớn. Với tốc độ lây nhiễm của chủng virus nhanh, số ca dương tính cao, vì vậy công tác phòng chống dịch: “Phải nhanh hơn, nhạy bén, quyết liệt và quyết đoán hơn. Covid-19 nhanh hơn mà mình chậm là thua. Hành động kịp thời mới có thể thắng lợi”.

Nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng vì làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ vừa bảo vệ sức khỏe của người dân Thủ đô vừa đảm bảo an toàn cho sự thành công của Đại hội Đảng, Bí thư Thành ủy chỉ đạo ngay sau hội nghị, lãnh đạo UBND TP cần có ngay công điện để quán triệt chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP để kích hoạt ngay hệ thống phòng chống dịch xuống tận tổ dân phố. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc ngay trên tinh thần 4 tại chỗ.

Nhắc nhở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở quận huyện phải chủ động ra quyết sách theo các nguyên tắc chung về phòng chống dịch không chờ chỉ đạo cấp trên, Bí thư Thành ủy dẫn chứng: “Như nếu có nguy cơ, việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, quận huyện đều có thể quyết định được, không cần chờ xin ý kiến”.

Bí thư Thành ủy yêu cầu TP kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức độ cao hơn và khẳng định chưa nhất thiết phải giãn cách xã hội nhưng hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người như liên hoan, tổng kết cuối năm…nghiêm túc thực hiện “5K” của Sở Y tế, nhất là phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt; các nơi công cộng càng phải để ý, chỗ nào không an toàn thì không hoạt động. Lưu ý việc công khai minh bạch, chia sẻ thông tin là hết sức quan trọng, Bí thư Thành ủy khẳng định phải công khai minh bạch thông tin thường xuyên để mỗi người dân có ý thức tự phòng chống bệnh cho bản thân, phòng bệnh cho cộng đồng.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Các kịch bản trước đây phải được kích hoạt lại, nhân lực có thể sử dụng cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế. Các đơn vị phải chủ động chuẩn bị đầy đủ các vật tư y tế cho công tác xét nghiệm, không để "nước đến chân mới nhảy". Các đội phản ứng nhanh tại cơ sở phải chủ động theo tinh thần 4 tại chỗ, phù hợp với tình hình. Yêu cầu các đơn vị phải bám sát Chỉ thị 05 của Thủ tướng nhưng ở mức cao hơn, Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ: “Chính phủ yêu cầu trong 10 ngày cơ bản phải phong tỏa, kiểm soát được dịch. Vậy thì TP cũng phải đặt ra mục tiêu khoảng 3 ngày để truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc, không thể chậm hơn”. “Chúng ta phải quyết tâm một lần nữa chiến thắng dịch bệnh này để bảo vệ bình yên cho Thủ đô”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Hà Nội đặt mức cảnh báo cao hơn 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch và để nhân dân đón tết an toàn, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị đặt mức cảnh báo cao hơn so với chỉ đạo của Thủ tướng; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và TP; chủ động và sẵn sàng trước mọi tình huống; cập nhật thông tin liên tục; chủ động giám sát; lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp từ Chí Linh, Hải Dương về từ ngày 14/1.

 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp

“Phải thực hiện đúng chỉ đạo của Bí thư Thành ủy là trong 3 ngày phải rà soát, lấy mẫu tất cả các trường hợp liên quan đến các ca bệnh, và 2 ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành liên quan đến các ổ dịch, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện, phường xã cũng phải liên lạc thường xuyên bởi: “Như các trường hợp F2 đều có thể liên quan đến các địa bàn khác nhau nếu chỉ trễ một chút rất có thể sẽ có nguy cơ”.

Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GTVT yêu cầu nhắc nhở các nhà xe phải ghi rõ tên tuổi, liên lạc của các hành khách để sẵn sàng phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.