Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ: Từng đồng chí Thường trực phải chủ trì, đôn đốc việc hoàn thành các dự án trọng điểm

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từng đồng chí Thường trực và từng thành viên Ban cán sự Đảng UBND TP phải chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc hoàn thành các dự án trọng điểm để chào mừng Đại hội Đảng bộ TP”.

Đây là yêu cầu của Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành uỷ với Ban cán sự Đảng UBND TP về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn diễn ra sáng 12/3.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.
Báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 – 2020 đến hết tháng 1/2020 do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày cho thấy, tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 4/12/2017, TP đã xác định danh mục 55 công trình trọng điểm 2016-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 486.991 tỷ đồng (gồm 27 dự án Ngân sách và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 02 dự án xã hội hóa). Quá trình triển khai, TP đã chỉ đạo điều hành, cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ PPP sang Ngân sách và ODA. Như vậy, trong số 55 dự án, tổng mức đầu tư cập nhật đến nay khoảng 532.877 tỷ đồng. Trong đó, có 31 dự án Ngân sách và ODA; 22 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án xã hội hóa.
UBND TP đã ban hành Quyết định số 2912/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 phê duyệt Kế hoạch tiến độ chi tiết các công trình trọng điểm. Theo tiến độ tại Quyết định số 2912/QĐ-UBND và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 4/12/2017 thì 33 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 (gồm 23 dự án Ngân sách, 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 1 dự án xã hội hóa); 22 dự án hoàn thành sau 2020.
Kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 đã được HĐND TP điều chỉnh tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 là 37.598,3 tỷ đồng. Lũy kế kế hoạch vốn giao giai đoạn 2016-2019 là 25.916,9 tỷ đồng (đạt 68,9% kế hoạch trung hạn). Lũy kế giải ngân giai đoạn 2016-2019 đạt 20.845,3 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 đạt 4.455 tỷ đồng (đạt 83,5%). Kế hoạch vốn năm 2020 đã giao đầu năm là 8.676,198 tỷ đồng và giải ngân đến nay đạt 547 tỷ đồng.
Tiến độ triển khai đến hết tháng 02/2020: có 9 dự án và 1 hạng mục dự án ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 11 dự án đang thi công xây dựng (8 dự án ngân sách, ODA và 3 dự án PPP); 20 dự án và 1 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện, hoàn thiện thủ tục (gồm 13 dự án và 1 hạng mục dự án ngân sách, ODA; 6 dự án PPP; 1 dự án XHH); 14 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư (gồm 13 dự án PPP và 1 dự án XHH). 
Dự kiến đến hết 2020 có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ (gồm 13 dự án sử dụng vốn ngân sách, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP). Trong đó, một số dự án cần tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có thể hoàn thành: Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; Bảo tàng Hà Nội; phân bổ sung của dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa...
Đối với tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của TP, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thống kê vướng mắc từng dự án cụ thể để phân loại. Theo đó, cần phân loại dự án có thể hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng các cấp; loại dự án nào chào mừng Đại hội Đảng bộ TP và công trình nào lấy mốc chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Còn đối với dự án trọng điểm, cần phân công từng đồng chí lãnh đạo TP theo dõi đối với từng dự án trọng điểm để đôn đốc, kiểm tra, rõ trách nhiệm cá nhân và rõ vai trò chỉ đạo điều hành.
 “Từng đồng chí Thường trực và từng thành viên Ban cán sự Đảng UBND TP phải chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc hoàn thành các dự án trọng điểm để chào mừng Đại hội Đảng bộ TP” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý.
Ngoài ra, chủ động đề xuất khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích. Đồng thời, nên có đề xuất với Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế trong GPMB như TP Hồ Chí Minh.