Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BIDICO chính thức giao dịch cổ phiếu trên HNX

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/9 tới, cổ phiếu BII của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (BIDICO) sẽ chính thức niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). BII sẽ là cổ phiếu niêm yết thứ 362 trên HNX với giá trị niêm yết đạt 328 tỷ đồng, giá tham chiếu là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư, tỉnh Bình Thuận, được thành lập năm 2008, hiện có vốn điều lệ 328 tỉ đồng. Tháng 7/2014, BIDICO được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng. 

Lĩnh vực kinh doanh của công ty là đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản thương mại (khu công nghiệp, cảng biển, khu đô thị), sản xuất vật liệu xây dựng và trồng rừng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính là cho thuê đất hạ tầng công nghiệp cho ngành chế biến sâu ti tan và tài nguyên thiên nhiên, mang lại 97 -100% doanh thu và lợi nhuận cho công ty . Hai cụm công nghiệp lớn nhất của công ty là cụm công nghiệp Thắng Hải và cụm công nghiệp Tân Bình.
 
Khu chuyển tải Laigi, Bình Thuận
Khu chuyển tải Laigi, Bình Thuận.
Cụm công nghiệp Thắng Hải có diện tích 89,1ha với tổng đầu tư 159,46 tỷ đồng. Đây là cụm công nghiệp đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sâu Titan, đồng thời là cụm công nghiệp duy nhất tại Việt Nam về công nghiệp Titan đã hoàn thiện hạ tầng và dự kiến sẽ được xây dựng thành Khu phức hợp chế biến sâu các sản phẩm Titan có công suất chế biến xỉ Titan 180.000 tấn/ năm, Pigment 50.000 tấn/ năm, Nano Titan 20.000 tấn/năm, Zircon siêu mịn 20.000 tấn/năm và gang đúc kỹ thuật 10.000 tấn/năm . 
Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về tài nguyên quặng Titan, trong đó Bình Thuận chiếm 92% tổng trữ lượng cả nước, đặc biệt các điểm mỏ nằm chủ yếu ở khu vực ven biển với địa tầng cát giàu quặng Titan. Khoảng cách từ các điểm mỏ này tới Cụm công nghiệp Thắng Hải đều rất gần và thuận lợi giao thông vì bám theo vành đai quốc lộ 1A. Theo quy hoạch của Chính phủ, để được cấp phép khai thác titan, chủ đầu tư cần có dự án chế biến sâu, đồng thời các dự án này phải nằm trong các cụm hoặc khu công nghiệp được quy hoạch. Cụm công nghiệp Thắng Hải hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể tham gia vào lĩnh vực tiềm năng này. Từ năm 2013, công ty đã hoàn thành và đưa vào khai thác Cụm 1 (49,51ha) với diện tích cho thuê đạt 131.237 m2 . 
Cụm công nghiệp Thắng Hải, Bình Thuận
Cụm công nghiệp Thắng Hải, Bình Thuận
Cụm công nghiệp Tân Bình có tổng diện tích 50ha với tổng đầu tư 100 tỷ đồng để cung cấp cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp cho ngành chế biến thủy hải sản. Đây là cụm công nghiệp chuyên sâu về thủy hải sản duy nhất của tỉnh Bình Thuận. Dự án đã được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ tháng 6/2014, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2015. Bình Thuận là một trong 3 ngư trường trọng điểm lớn nhất của cả nước, sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 170.000-180.000 tấn. Vì vậy, khi đi vào khai thác, cụm công nghiệp Tân Bình sẽ đáp ứng nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản. 
Ngoài ra, công ty còn đầu tư khu chuyển tải Lagi và nhà máy chế biến cát. Khu chuyển tải Laigi bao gồm cầu cảng, kho bãi phục vụ cho việc giao thương, xuất khẩu hàng hóa, dự kiến xây dựng năm 2015 và đưa vào khai thác trong năm 2016. Nhà máy chế biến cát với tổng mức đầu tư 49 tỷ đồng, có công suất 100.000 tấn/năm, dự kiến nhà máy sẽ cho ra sản phẩm vào quý 4 năm 2014. Cát Thạch Anh sau khi chế biến đạt yêu cầu về chất lượng có thể dùng trong sản xuất thủy tinh, khuôn đúc, gốm sứ và một số ngành công nghiệp khác. Với lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định từ mỏ cát Tân Phước có trữ lượng dồi dào, việc vận chuyển thuận tiện, sản phẩm cát của Nhà máy sẽ mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định cho BIDICO. 
Trong hai năm vừa qua, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của công ty đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ do cụm công nghiệp Thắng Hải (Cụm 1) đi vào hoạt động, tạo ra nguồn doanh thu ổn định cho công ty. So với năm 2012, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BIDICO trong năm 2013 đã có sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng 174,53% và 83,65%. 
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của BIDICO hiện ở mức thấp chỉ từ 5% đến 6,89% nhưng có tiềm năng tăng trưởng khi công ty hoàn thành đầu tư các dự án mới và đưa vào khai thác. 
Năm 2014, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt là 195% và 233% so với năm 2013. Tính đến hết quý II/2014, BIDICO đạt được 50,4 tỷ đồng doanh thu thuần và 8,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thế tương đương 37% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014 . Giá trị sổ sách tại ngày 30/6/2014 đạt 10.951 đồng/cổ phần.
Về tỷ lệ cổ tức, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 đã thông qua việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2013 và năm 2014 để đầu tư cho các dự án đang triển khai mà không chia cổ tức cũng như không trích lập các quỹ.