Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BIDV sẽ bán hết room cho cổ đông ngoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, BIDV đang xúc tiến và đẩy nhanh việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán cổ phần với tỷ lệ tối đa “room” cho phép (30%).

Thưa ông, kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room) đến nay đã được BIDV tiến hành tới đâu và dự kiến khi nào sẽ triển khai, cũng như hoàn tất?

Về kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, BIDV đã có quá trình tìm hiểu và đang trao đổi với 8 đối tác nước ngoài để tiến hành triển khai việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, thời điểm nào triển khai và hoàn tất việc bán cho nhà đầu tư nước ngoài còn tùy thuộc vào tình hình thị trường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vậy tỷ lệ cổ phần BIDV dự kiến bán cho nhà đầu tư ngoại là bao nhiêu?

Chúng tôi sẽ bán tối đa “room” cho phép là 30% theo quy định hiện hành. Nhiều khả năng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài khó có thể hoàn thành trong năm nay, mà dự kiến kéo dài sang năm 2016. Nếu tăng trưởng năm 2016 đạt 6,5-7%, thì giao dịch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV sẽ thành công. Về nguyên tắc, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là phải có lợi cho Nhà nước, sau đó là có lợi cho BIDV, nên cũng phải cân nhắc.

Các cổ đông chiến lược mà BIDV đang tìm hiểu đến từ khu vực nào?

Các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mà BIDV đang trao đổi, tìm hiểu đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Trong quá trình trao đổi và tính toán trong việc bán cổ phần, các nhà đầu tư chiến lược cũng đã tính đến việc BIDV sáp nhập thêm MHB trong năm nay.

Việc sáp nhập MHB có sớm hoàn tất trong năm nay? Với tỷ lệ chia 1:1, dự kiến khi nào sẽ được tiến hành và liệu với tỷ lệ này có gây thiệt hại cho cổ đông của BIDV?

Đây là thương vụ sáp nhập tự nguyện giữa 2 ngân hàng không nằm trong diện tái cơ cấu. MHB và BIDV đều do Ngân hàng Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn, nên cổ đông lớn này không có ảnh hưởng. Với cổ đông nhỏ, trong ngắn hạn, sự lo ngại là đúng, vì giá cổ phiếu của BIDV trên thị trường đang cao hơn đáng kể so với MHB. Tuy nhiên, về dài hạn, BIDV tận dụng được nhiều lợi thế khi sáp nhập MHB. Với 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch của MHB, nếu không sáp nhập MHB, thì BIDV phải mất khoảng 7 năm nữa mới có thể phát triển được mạng lưới này. Hơn nữa, địa bàn hoạt động của MHB hiện chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vì thế, sáp nhập MHB sẽ là cơ hội để BIDV đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng ở khu vực nông thôn.

Từ khi có thông tin sáp nhập MHB và BIDV, giá cổ phiếu của cả hai ngân hàng đều tăng. Đây là điều tích cực trong một thương vụ sáp nhập tự nguyện giữa hai ngân hàng. Với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1, chúng tôi đảm bảo quyền lợi của cổ đông hai bên, nhất là với các cổ đông nhỏ, lẻ của hai ngân hàng.

Năm 2014, con số dự phòng của BIDV là bao nhiêu?

BIDV trích dự phòng rủi ro 7.800 tỷ đồng trong năm 2014 so với mức 9.800 tỷ đồng của năm 2013. Việc tăng trích dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo hoạt động của Ngân hàng được an toàn, nên BIDV luôn chú trọng điều này. Nợ xấu của BIDV cũng từng bước được kiểm soát và chiến lược của BIDV là tập trung đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp.

Kế hoạch tăng vốn BIDV năm nay sẽ được triển khai theo phương thức nào?

Năm nay, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 6.061 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm này bao gồm: phát hành cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn từ sáp nhập. Cụ thể, phát hành cho cổ đông hiện hữu số lượng dự kiến 269,2 triệu cổ phần, chiếm 9,577% vốn điều lệ của năm 2014; phát hành 3.369 tỷ đồng để sáp nhập MHB. Dự kiến quý II/2015, BIDV sẽ phát hành 269,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Với phương án sáp nhập MHB, BIDV sẽ phát hành 336,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi với MHB theo tỷ lệ 1:1./.