Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biển Đông là tiêu điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, châu Á kéo dài 12 ngày, hôm qua (1/7), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Brunei tham dự Hội nghị Đối thoại ASEAN – Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

 Giữa lúc một số quan chức ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại cắt giảm ngân sách, những căng thẳng khác ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến chính sách xoay trục sang châu Á, chuyến công du của ông Kerry đã đưa ra thông điệp Đông Nam Á vẫn là một trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Mỹ. Phát biểu ngay trước thềm chuyến thăm, ông Kerry nhấn mạnh, một phần lịch sử thế kỷ XXI sẽ được viết nên từ châu Á và những gì đang diễn ra ở châu Á. Theo đó, Mỹ quan tâm đến châu Á nhằm tối đa hóa tiềm năng kinh tế, mà không phải nhằm kiềm chế bất cứ nước nào.

Biển Đông là tiêu điểm - Ảnh 1

Ông John Kerry tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ ở Brunei. Ảnh: AFP

Phát biểu sau cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei ngày 1/7, ông Kerry cho biết: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, không bị cản trở thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông”. Ngoại trưởng Kerry cũng bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ đạt được những tiến triển trong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực quan trọng này. 

Trong một diễn biến liên quan,  Trung Quốc đã chấp thuận khởi động đàm phán với các nước ASEAN về COC. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với ASEAN để loại bỏ bất kỳ “sự nhiễu loạn” hay “trở ngại” nào trong quá trình hợp tác về COC. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn e ngại trong việc ký kết một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, để điều chỉnh hành động của các quốc gia trong vùng nước có tranh chấp. Theo kế hoạch, tháng 9 tới, Trung Quốc sẽ đăng cai phiên họp các quan chức cấp cao để chính thức bàn thảo về COC. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN cũng ra một thông cáo chung, cam kết “hướng tới việc hoàn tất COC tại Biển Đông trên cơ sở đồng thuận”. Thông cáo khẳng định lãnh đạo cả Trung Quốc và ASEAN đã “thống nhất và có khả năng biến Biển Đông trở thành một khu vực của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định vấn đề Biển Đông là mối quan tâm chung. Trước những diễn biến phức tạp gần đây tại khu vực này, ASEAN cần kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng những nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận như quy định trong DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, kiềm chế và không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, các bên cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin; trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập một dàn xếp khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển.