Biển Đông - Phép thử đầu tiên của ASEAN trong năm 2017

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) là phép thử đầu tiên cho sự đoàn kết của ASEAN trong năm Philippines đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên.

Từ ngày 19 - 21/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Bocaray, Philippines. 
Hội nghị AMM Retreat thảo luận về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, quan chức ngoại giao hàng đầu các nước ASEAN sẽ nhóm họp để giải quyết nhiều thách thức mà khu vực đang phải đối mặt như chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, nạn ma túy, tình trạng buôn bán người, môi trường và biến đổi khí hậu.
 Trung Quốc cải tạo trái phép tại đá Vành Khăn, Trường Sa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lĩnh vực quan trọng mà các quốc gia trong khu vực quan tâm là việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Năm 2017, với tư cách Chủ tịch ASEAN, quan điểm của Philippines trong vấn đề Biển Đông có tác động quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng COC - bộ khung pháp lý được thiết kế nhằm ngăn chặn để tránh các xung đột ở Biển Đông. Vì vậy, Hội nghị AMM Retreat được đánh giá là phép thử đầu tiên cho Philippines và 9 nước thành viên còn lại của ASEAN nhằm đảm bảo vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN thông qua thể hiện quan điểm trong vấn đề Biển Đông một cách tương xứng. 
 Quan điểm của Philippines - chủ tịch luân phiên ASEAN - đóng vai trò quan trọng.
Trước thềm Hội nghị, truyền thông Malaysia đã thúc giục quan chức các nước ASEAN cần tập trung bàn thảo về vai trò trung tâm và sự đoàn kết ASEAN, đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC và nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra trong giải quyết vấn đề Biển Đông. 
Các nhà nghiên cứu khẳng định, vai trò trung tâm của ASEAN và sự thống nhất của khối trong việc sớm kết thúc đàm phán COC, ủng hộ phán quyết PCA sẽ là chìa khóa cho thành công của ASEAN. Nhất trí với các ý kiến của học giả các nước trong khu vực, ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao cho biết, vai trò trung tâm là vấn đề sống còn của ASEAN. Ông Thái cho rằng, ASEAN chỉ có thể quyết định các vấn đề sát sườn của khu vực như thu hút đầu tư, kêu gọi hỗ trợ hay trong vấn đề Biển Đông khi giữ được vai trò trung tâm. “Chừng nào ASEAN giữ được vai trò trung tâm thì tiếng nói của ASEAN mới có sức nặng” - ông Thái nhấn mạnh. Có cùng chung nhận định rằng việc xây dựng COC sẽ là trọng tâm của ASEAN trong năm nay, ông Thái cho rằng, các nước phải nỗ lực để bộ quy tắc này thực sự là công cụ của ASEAN và có tác dụng cho các nước trong khu vực.

Philippines tuyên bố sẽ phát huy vai trò trong việc tạo ra các thay đổi tích cực nhằm hướng tới 6 mục tiêu: Xây dựng ASEAN lấy con người làm trung tâm và hướng tới con người; Xây dựng hòa bình ổn định ở khu vực; Hợp tác về an ninh biển; Tăng trưởng sáng tạo và bao trùm; Xây dựng một ASEAN tự lực tự cường và là hình mẫu trong chủ nghĩa khu vực, một nhân tố trong bàn cờ chiến lược toàn cầu. Trong số các mục tiêu này, đáng chú ý là yếu tố hòa bình ổn định khu vực và hợp tác vì an ninh biển được ưu tiên rất cao. Điều này cho thấy, Philippines sẽ không “bỏ rơi” vấn đề Biển Đông.

Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần