Biến phế phẩm thành thức ăn chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nhanh nhạy đầu tư máy cuốn rơm rạ bỏ không ngoài đồng, anh Vũ Kim Tuyền, thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm và chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi bò thịt.

Anh Vũ Kim Tuyền, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì bên máy cuốn rơm rạ của gia đình.
Anh Vũ Kim Tuyền là một trong những hộ chăn nuôi bò có tiếng ở Ba Vì. Hiện trang trại của gia đình anh rộng 600m2 đang duy trì thường xuyên 100 – 120 con bò thịt vỗ béo. Anh chọn nuôi 2 giống bò cao sản đó là bò lai BBB và Zêbu. Anh Tuyền cho biết, 2 giống bò cao sản này dễ nuôi bởi có sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh và sản lượng thịt cao. Nhờ vào nuôi bò vỗ béo, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm gần chục năm trong nghề, anh Tuyền cho rằng, chăn nuôi bò thịt vỗ béo không khó, quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ hai loại vaccine là lở mồm long móng và tụ huyết trùng, chuồng trại cũng không cần quá cầu kỳ. Tuy nhiên, theo anh Tuyền, vấn đề khó khăn nhất của người chăn nuôi bò lại là nguồn thức ăn. Bởi khối lượng tiêu thụ thức ăn của một con bò hàng ngày rất lớn. Ngoài thức ăn tinh, bò thịt vỗ béo không thể thiếu thức ăn thô. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày một con bò ăn 20kg thức ăn thô, 4 – 5kg thức ăn tinh. Mặc dù gia đình anh đã chủ động trồng 2ha cỏ voi và gieo ngô dày để làm thức ăn cho bò nhưng vào mùa khô, bài toán thức ăn thô cho bò vẫn làm anh đau đầu.
Trong khi đó, quá trình sản xuất nông nghiệp lại thải ra một lượng lớn phụ phẩm, có thể tận dụng làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng rơm rạ cho trâu bò còn hạn chế, vì khó bảo quản, cồng kềnh, khó vận chuyển. Vì vậy, người dân chủ yếu đốt bỏ ngay tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Đáng báo động là tình trạng đốt rơm rạ trên những cánh đồng gần đường giao thông, còn gây mất an toàn giao thông đối với các phương tiện qua lại.
Để giải quyết bất cập này, năm 2019, anh Tuyền đã đầu tư một máy cuốn rơm trị giá 300 triệu đồng. Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản, có thể thu gom ở những chân ruộng trũng và nhiều địa hình khác nhau. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi sào, máy chỉ chạy 4 - 5 phút cho thu hoạch 6 - 8 cuộn rơm, nặng 12 - 15kg/cuộn. Lượng rơm này được dự trữ trong kho và sử dụng dần trong năm. Rơm khô trước khi cho bò ăn được ủ thêm với ure, rỉ mật. Qua đó đã làm tăng giá trị dinh dưỡng của rơm, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. “Nhờ có máy cuộn rơm, tôi đã tiết kiệm được 220 triệu đồng tiền thức ăn cho bò mỗi năm, đặc biệt là chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi” – anh Tuyền cho hay.