Biến văn hoá thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô

Linh Chi - Long Trần (ảnh Thanh Hải)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trình bày Dự thảo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII chiều nay (11/3), Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Bùi Huyền Mai cho biết, Chương trình gồm 3 mục tiêu.

 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai trình bày Dự thảo Chương trình 06-CTr/TU tại hội nghị

Cụ thể, mục tiêu phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Theo đó, phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, TP vì hoà bình, TP sáng tạo. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Biến văn hoá thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Đối với mục tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.

Xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên. Sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Đồng thời, tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hoá của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hoá phong phú của Nhân dân.

Ngoài ra, chương trình đề ra 18 chỉ tiêu thuộc hai nhóm lĩnh vực. Cụ thể, đối với chỉ tiêu phát triển văn hoá, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phấn đấu tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá 86 -88%; tỷ lệ thôn làng được công nhận danh hiệu thôn làng văn hoá 65%; tỷ lệ thôn làng có nhà văn hoá đạt 100%; di sản đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là 25 di sản; số di tích xếp hạng và nâng cấp xếp hạng (di tích quốc gia đặc biệt là 5, di tích cấp quốc gia 10 và di tích cấp TP là 100). Đối với nhóm chỉ tiêu về nguồn lực, phấn đấu số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80%...