Kinhtedothi - Sáng nay (9/7), các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết HĐND về “điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND Thành phố Hà Nội về đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo báo cáo thẩm tra, báo cáo của UBND TP đã nêu một số hạn chế và nguyên nhân NQ số 18/2008/NQ-HĐND, song Ban Kinh tế và Ngân sách và Ban Pháp chế đề nghị bổ sung một hạn chế là việc buông lỏng quản lý trong thời gian qua của các cơ quan nhà nước được giao làm đầu mối quản lý, dẫn đến tình trạng tổng hợp, theo dõi không đầy đủ, kịp thời, số liệu hiện trạng sai lệch, làm ảnh hưởng đến chủ trương đúng về quản lý nhằm bảo tồn, phát huy giá trị quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP. Về nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót, hạn chế và cần bổ sung đầy đủ giải pháp để khắc phục, ngăn ngừa những hạn chế, thiếu sót trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trả lời các đại biểu HĐND
về tình hình quản lý, sử dụng biệt thự trên địabàn sáng 9-7 Ảnh: Anh Quý
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã giải trình một số ý kiến của các đại biểu, căn cứ để UBND TP trình ra các đề xuất, bổ sung một số điều tại NQ 18/2008/NQ-HĐND tại HĐND lần này xuất phát từ 2 căn cứ. Thứ nhất là căn cứ pháp lý, Chính phủ đã thay đổi NĐ 48, 61 sang NĐ 34 của Bộ Xây dựng, theo đó thông tư của các bộ chủ quản hướng dẫn thực hiện NĐ này thay đổi. Và tại Hà Nội, có Luật Thủ đô, trong đó có một nột dung rất quan trọng, yêu cầu bảo tồn, tôn tạo các biệt thự trước năm 1954. Đây là căn cứ pháp lý để tiến hành xem xét, sửa đổi NQ 18. Căn cứ thứ hai là trong thực tiễn, qua công tác quản lý nhà nước, có nội dung cần đề xuất với HĐND xem xét sửa đổi như: Theo NQ số 18/2008/NQ-HĐND, các biệt thự có các hộ dân đang thuê sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan (trên 50% diện tích là trụ sở cơ quan) thì không bán, phải thực hiện di chuyển các hộ dân để làm trụ sở cơ quan. Thực tế một số cơ quan, đơn vị không có điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân hoặc không có nhu cầu sử dụng thêm diện tích, trong khi đó các hộ dân thuê nhà có đơn kiến nghị được giải quyết mua nhà. Có nhiều trường hợp đã được mua nhà trước khi có NQ 18/2008/NQ-HĐND, trong khi đó, nhiều trường hợp đang thuê có điều kiện tương tự nhưng không được mua vì chịu sự điều chỉnh của NQ 18/2008/NQ-HĐND. Công tác quản lý nhà đối với các trường hợp nêu trên gặp nhiều khó khăn, trong đó chất lượng, môi trường sống của người dân khó được cải thiện vì không được mua và cải tạo chỗ ở, làm phát sinh thắc mắc vì cùng giống nhau về đốitượng, nhưng có trường họp được mua, trường hợp không được mua.
Xuất phát từ căn cứ pháp lý và thực tiễn, UBND thành phố đề xuất, sẽ điều chỉnh thuật ngữ gọi phân theo cấp độ thì điều chỉnh thành phân theo nhóm, những trường hợp đã bán theo NĐ 61 trước đây dừng lại để chờ NĐ 34, đề xuất các biệt thự có trên 50% diện tích của cơ quan trong đó các hộ dân (từ 3 hộ trở lên) đã được mua thì bây giờ cho mua...
Giải trình thắc mắc của các ĐB về Quyết định số 7177/QĐ-UBND được UBND TP ban hành ngày 28/11/2013 phê duyệt danh mục 1.253 biệt thự (gồm 501 biệt thự đủ các tiêu chí bảo tồn, đề nghị bổ sung vào danh mục nhà biệt thự quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP và 752 biệt thự có tên trong Đề án năm 2008 đã được rà soát trong đó có 225 biệt thự nhóm 1, 383 biệt thự nhóm 2 và 645 biệt thự nhóm 3), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: “Căn cứ vào hai bản, văn bản thứ nhất xuất phát từ NQ 18, các biệt thự mà đã xác định ở cấp độ bảo tồn quốc gia yêu cầu UBND TP tiến hành phân loại, có quy định để bảo tồn và văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. QĐ số 7177/QĐ-UBND không phải loại bỏ mà xác định các loại nhóm biệt thự, thực hiện theo đúng quyết định hiện hành của Nhà nước như Luật Xây dựng... Và trong quá trình quản lý, nếu có vi phạm pháp luật về sửa chữa biệt thự thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, chịu trách nhiệm, xem xét, báo cáo HĐND”.
ĐB Nguyễn Hoài Nam (Trưởng ban Pháp chế) đề nghị HĐND nếu thấy một số nội dung có đủ điều kiện pháp lý để thông qua, còn một số khoản không thuộc thẩm quyền của HĐND TP, nếu sau này UBND thực hiện, gặp khó khăn thì phải báo cáo Chính phủ, khi Chính phủ cho phép thì HĐND sẽ bàn tiếp.
ĐB Nguyễn Văn Nam (Ủy viên thường trực kiêm Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND TP Hà Nội) đồng tình với khoản 1 Điều 1 trong dự thảo, đối tượng bán, giá bán biệt thự theo NĐ 34, giao UBND rà soát lại QĐ 7177/QĐ-UBND, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với NQ18....
Sau khi thảo luận, 83/84 ĐB có mặt thống nhất với nội dung khoản 1 Điều 1 và đề nghị chỉnh sửa như sau: “Phân loại biệt thự theo 3 nhóm, phù hợp với quy định tại Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 8/12/2009 của Bộ Xây dựng về quản lý, sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị, đồng thời bảo đảm giữ được các tiêu chí, phạm vi phân loại theo cấp độ đã nêu trong NQ số 18/2008/NQ-HĐND.”
Các đại biểu nhất trí với nội dung khoản 2 điều 1, đối tượng được mua nhà, giá bán nhà, phương thức bán nhà và xử lý chuyển tiếp quy định tại NQ số 18/2008/ NQ-HĐND chuyển sang thực hiện theo quy định tại NĐ số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, Thông tư số 14/TT-BXD ngày 19/9/2013 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ (vì NĐ 34/2013/NĐ-CP đã thay thế NĐ 61/CP ngày 5/7/1994 và NQ số 48/2007/NQ-CP của Chính phủ).
Các ĐB HĐND TP Hà Nội cũng đồng tình với khoản 5 Điều 1 về quy trình thực hiện, giao UBND TP căn cứ các tiêu chí xác định biệt thự được bán nêu tại khoản 2 Điều này để rà xoát, xem xét các trường hợp cụ thể và thống nhất với Thường trực HĐND TP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán biệt thự. Sau khi, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép bán thì tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo với HĐND TP tại Kỳ họp gần nhất. Thống nhất để UBND TP báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP xem xét, quyết định bán biệt thự cho các trường hợp đủ điều kiện nêu tại khoản 4 Điều 1 (Giao UBND TP rà soát các biệt thự nhóm 3 có hiện trạng đan xen các hộ dân sử dụng làm nhà ở và cơ quan làm trụ sở (50% trên diện tích là trụ sở cơ quan), có nhiều hộ ở (từ 3 hộ trở lên) và đã có hộ được mua nhà trước khi ban hành NQ số 18/2008/NĐ-HĐND thì cho phép bán theo quy định tại NĐ số 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ) sau khi thống nhất với Thường trực HĐND TP nhằm sớm giải quyết nhu cầu mua nhà của công dân, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, báo cáo HĐND TP kết quả thực hiện tại kỳ họp gần nhất.
Về quy trình thực hiện, để đảm bảo công khai, minh bạch, đề nghị UBND báo cáo HĐND những nội dung đã rà soát kỹ và đủ điều kiện theo quy định, tổng hợp báo cáo HĐND những nội dung còn tiếp tục rà soát và chưa đủ điều kiện theo quy định tại kỳ họp tiếp theo. Đồng thời công bố công khai các trường hợp được bán, không bán, quy chế quản lý, sử dụng để Nhân dân biết và giám sát thực hiện, không quy định UBND thống nhất với Thường trực HĐND vì nội dung này không thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1254/TTg-KTN ngày 28/7/2009, UBND TP Hà Nội đã xây dựng các tiêu chí để đánh giá; tổ chức rà soát lại, đánh giá, chấm điểm biệt thự theo thang điểm 100 với 5 tiêu chí: giá trị về lịch sử, văn hóa (15 điểm); giá trị về nghệ thuật kiến trúc (35 điểm); giá trị về quy hoạch, cảnh quan đô thị (20 điểm); tính nguyên bản (20 điểm); công năng, sở hữu (10 điểm). Biệt thự được phân loại thành 3 nhóm như sau: - Biệt thự nhóm 1 (được đánh giá từ 70 đển 100 điểm): gồm những biệt thự , được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với di tích lịch sử Cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 điểm đến 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật); - Biệt thự nhóm 2 (được đánh giá từ 50 đến 69 điểm); - Biệt thự nhóm 3 (được đánh giá từ 20 đến 49 điểm). |