[Biểu đồ] Tổng vốn FDI vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2/2020 ước tính đạt 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,8%; vốn địa phương 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 8,2% và tăng 3,8%), gồm có:
Vốn Trung ương quản lý đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 944 tỷ đồng, bằng 9% và tăng 8,3%; Bộ Y tế 378 tỷ đồng, bằng 7,1% và giảm 2,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 281 tỷ đồng, bằng 6,8% và tăng 27,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 191 tỷ đồng, bằng 6,4% và tăng 83,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 80 tỷ đồng, bằng 6,3% và giảm 7,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 48 tỷ đồng, bằng 7,4% và giảm 22,8%; Bộ Công Thương 29 tỷ đồng, bằng 7,5% và tăng 47,9%; Bộ Xây dựng 26 tỷ đồng, bằng 8% và tăng 21,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 19 tỷ đồng, bằng 7,6% và giảm 22,4%; Bộ Thông tin và Truyền thông 11 tỷ đồng, bằng 9,1% và tăng 10,2%.
Vốn địa phương quản lý đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 21 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% và tăng 16,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1% và tăng 20,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,2% và tăng 15,9%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 4.266 tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 1.149 tỷ đồng, bằng 11,2% và tăng 7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.134 tỷ đồng, bằng 11,7% và tăng 15,1%; thành phố Hồ Chí Minh 997 tỷ đồng, bằng 2,1% và giảm 0,1%; Nghệ An 979 tỷ đồng, bằng 14% và tăng 10,5%; Quảng Ninh 902 tỷ đồng, bằng 7% và tăng 21%; Quảng Nam 889 tỷ đồng, bằng 13,6% và tăng 5,1%; An Giang 835 tỷ đồng, bằng 16,5% và tăng 68,3%; Bắc Ninh 828 tỷ đồng, bằng 14,1% và tăng 38,5%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, giảm 2,7% về số dự án và tăng 104,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 151 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4%; 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 827,3 triệu USD, giảm 84%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 265 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 283,3 triệu USD và 1.318 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 544 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 79,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 797,8 triệu USD, chiếm 16%; các ngành còn lại đạt 205,9 triệu USD, chiếm 4,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đạt 3.841,5 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.428,5 triệu USD, chiếm 25,3%; các ngành còn lại đạt 371,8 triệu USD, chiếm 6,6%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 335,6 triệu USD, chiếm 40,5% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 142,9 triệu USD, chiếm 17,3%; các ngành còn lại đạt 348,9 triệu USD, chiếm 42,2%.
Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.111,6 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 418,5 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 167,1 triệu USD, chiếm 3,3%; Hàn Quốc 98,1 triệu USD, chiếm 2%; Nhật Bản 65,5 triệu USD, chiếm 1,3%; Đài Loan 45 triệu USD, chiếm 0,9%; Hà Lan 37,4 triệu USD, chiếm 0,7%; Xây-sen 18 triệu USD, chiếm 0,4%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 20 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,4 triệu USD; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 8,9 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 30,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,6 triệu USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,2 triệu USD, chiếm 13,8%. Trong 2 tháng đầu năm có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 19,8 triệu USD, chiếm 65,2%; Cam-pu-chia 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 450 nghìn USD, chiếm 1,5%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần