Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Minh canh cánh tiêu chí môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Bình Minh, huyện Thanh Oai có nghề giết mổ gia cầm (GMGC). Đây là nghề giúp hàng trăm hộ dân vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, chính quyền và người dân Bình Minh vẫn canh cánh nỗi lo tiêu chí môi trường bởi hệ lụy ô nhiễm sau GMGC.

Nghề cho thu nhập cao

Nghề GMGC xuất hiện ở xã Bình Minh từ hơn 10 năm nay. Toàn xã có 10 thôn với 3.300 hộ, trong đó có 224 hộ làm nghề GMGC, tập trung tại các thôn: Chằm, Thượng, Chợ, Đìa, Dộc. Mấy năm gần đây, do nhu cầu về thịt gia cầm của người tiêu dùng Thủ đô tăng cao nên nghề GMGC của Bình Minh ngày càng phát triển. Nhiều hộ mở rộng quy mô giết mổ lên tới hàng tạ gia cầm các loại với thu nhập trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Điều đặc biệt là ở Bình Minh, người dân không chăn nuôi gia cầm. Hay nói cách khác là tất cả số lượng gia cầm nguyên liệu tại xã đều được nhập về từ các trại chăn nuôi gà, vịt ở các nơi khác, chủ yếu là từ Chương Mỹ và Quốc Oai.
Sơ chế thịt gia cầm tại hộ ông Nguyễn Duy Luận, thôn Chợ,  xã Bình Minh.
Sơ chế thịt gia cầm tại hộ ông Nguyễn Duy Luận, thôn Chợ, xã Bình Minh.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bình Minh cung cấp cho thị trường 30 tấn thịt gia cầm các loại, dịp cao điểm lên tới xấp xỉ 40 tấn. Ngoài giết mổ, một số hộ còn chuyên thu mua lông gia cầm về sấy khô bán cho các nhà máy sản xuất lông vũ. Ông Bùi Minh Oánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, không chỉ giúp người dân làm giàu, nghề GMGC còn góp phần quan trọng để xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Song, mặt trái của nghề là môi trường sống bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm. Hàng ngày, một lượng rất lớn nước thải, phế phẩm sau giết mổ được các hộ xả trực tiếp ra cống rãnh chung không qua xử lý. Vì vậy, bất cứ ai khi vào khu dân cư hành nghề GMGC đều cảm nhận rõ mùi tanh của chất thải, nước thải từ các rãnh thoát nước lộ thiên và kênh, mương ven làng.

Chờ khu giết mổ tập trung

Là hộ có quy mô giết mổ gia cầm lớn (4 tạ gà công nghiệp/ngày), ông Nguyễn Duy Luận, ở thôn Chợ, xã Bình Minh cho biết, mặc dù gia đình đã đầu tư xây dựng phòng giết mổ gà khép kín rộng 20m2 để chuyên sơ chế và pha thịt, nhưng biện pháp này chỉ đảm bảo sạch nhà mình, chứ không tránh được mùi hôi trong khu dân cư. Đó là chưa kể, hàng ngày, khoảng từ 15 giờ – 20 giờ, hàng chục xe ô tô lớn, nhỏ chở gia cầm lông về bán cho các hộ giết mổ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Khi đó, các tuyến đường của xã Bình Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiếng ồn của ô tô, xe máy song hành với việc xả khói bụi khiến không khí càng thêm nặng nề. “Thực trạng này ai cũng biết, nhưng vì kế sinh nhai nên các hộ dân đều “tặc lưỡi” cho qua. Chính quyền địa phương chỉ có thể nhắc nhở, chứ không thể cấm” - ông Oánh thẳng thắn thừa nhận.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Bình Minh, TP đã phê duyệt quy hoạch khu giết mổ gia cầm tập trung quy mô 4,4ha tại khu Đồng Mới của xã. Dự án có tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Mục tiêu của quy hoạch là tập hợp tất cả các hộ làm nghề giết mổ gia cầm về một địa điểm để tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát gia cầm, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa thành hiện thực bởi nguồn vốn được phân bổ để thực hiện còn khiêm tốn. Do đó, mong mỏi lớn nhất của cấp ủy, chính quyền và người dân Bình Minh là TP quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để dự án sớm hoàn thành, tháo gỡ khó khăn cho các hộ làm nghề và đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.