Theo đó, cuộc đàm phán 6 nước về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã khai mạc vài giờ sau vụ CHDCND Triều Tiên 2 lần phóng thử tên lửa Musudan tầm trung trong sáng 22/6. Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á 2016, kéo dài trong 3 ngày tại ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, quy tụ tổng cộng 90 quan chức và học giả từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Đây là hội nghị kín và do Viện nghiên cứu về Xung đột toàn cầu và Hợp tác thuộc Đại học California (Mỹ) tổ chức gần như thường niên.
Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (phải) tới Bắc Kinh dự Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á 2016 |
Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã cử các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu tới tham dự, trong khi đại diện CHDCND Triều Tiên là bà Choe Son Hui, người tham gia đàm phán 6 bên và có thâm niên đóng một vai trò trong các cuộc đàm phán giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cử các quan chức tham dự diễn đàn kể từ năm 2012. Tuy nhiên, bà Choe cho biết, sẽ không có kế hoạch hội đàm song phương với các quan chức ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc.
Theo đó, đây không phải lần đầu Bình Nhưỡng thử tên lửa thất bại, kể từ năm 2006 cho đến nay, CHDCND Triều Tiên đã 4 lần thất bại trong việc phóng thử tên lửa. Tuy nhiên, phát biểu trong buổi Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á 2016 ngày 22/6, đại diện Bình Nhưỡng Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui tái khẳng định, CHDCND Triều Tiên sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này. “Chính phủ Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nếu các nước trên thế giới cũng từ bỏ vũ khí hạt nhân”, bà Choe nói thêm. Những khẳng định của đại diện phía CHDCND Triều Tiên đã làm phức tạp thêm nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Đối với vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên sáng 22/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi "các nước liên quan" không có hành động khiến tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Cũng tại buổi đối thoại, đại diện phía Bình Nhưỡng không đưa ra bất kỳ bình luận nào trước những chỉ trích mạnh mẽ từ các đại diện Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đối với việc phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên hôm 22/6. Dẫn tin Yonhap, trước những động thái trên, buổi đối thoại một lần nữa tạo khoảng cách xa giữa Bình Nhưỡng và 5 quốc gia trong việc giải quyết triệt để tình hình vũ khí hạt nhân. Hiện Triều Tiên đang chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của Liên Hợp quốc do tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1/2016 vừa qua và phóng tên lửa được cho là sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo 1 tháng sau đó.