Bình ổn ngành hàng thịt lợn: Doanh nghiệp là hạt nhân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi hiện đã lây lan ra 23 tỉnh, TP, bao gồm cả Hà Nội. Đến nay, đã có khoảng 70.000 con lợn bị tiêu hủy.

Để bảo đảm ngành hàng thịt lợn thời gian tới không bị ảnh hưởng, vai trò của các tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi lớn được xem là rất quan trọng.
Doanh nghiệp lớn vẫn an toàn
Thực tế cho thấy, dịch tả lợn châu Phi hiện chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Ngay cả trường hợp hộ chăn nuôi ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) có tổng đàn lợn khoảng 4.500 con vừa phát hiện có dịch, cũng được xếp vào nhóm “hộ sản xuất nhỏ, nhưng… chăn nuôi nhiều”.
Đến nay, nhiều tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi lợn lớn vẫn đang kiểm soát khá tốt vấn đề an toàn dịch bệnh bằng nhiều giải pháp. Đơn cử như Tập đoàn Masan đang áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín 3F từ nông trại đến bàn ăn, trong đó, sử dụng 100% giống và thức ăn do đơn vị tự sản xuất. Trong khi Công ty CP Tập đoàn Mavin dùng hợp chất để sát khuẩn thức ăn trước khi sử dụng cho đàn lợn…
 Chăm sóc đàn lợn tại trang trại chăn nuôi của Công ty CP Tập đoàn Mavin. Ảnh: Trọng Tùng
Nhờ chủ động các giải pháp phòng chống, sản xuất của các tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi lợn lớn tiếp tục duy trì khá ổn định. Thịt lợn và sản phẩm từ lợn của các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, với “bàn tay” của DN vẫn đang được thị trường đón nhận tích cực.
Thậm chí, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Masan Nguyễn Thiều Nam còn thông tin rằng, sản lượng thịt lợn mà đơn vị này cung ứng ra thị trường hiện... tăng gấp đôi so với giai đoạn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Một điều rất đáng ghi nhận là hiện nay, dù xu hướng sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn rõ ràng, thay thế thịt lợn được buôn bán tại chợ dân sinh đang tăng nhưng hầu hết các DN chăn nuôi lớn vẫn giữ nguyên mức giá, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cơ hội cho chăn nuôi lớn
Trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn chiếm gần 50% về quy mô và hơn 40% sản lượng, dịch tả lợn châu Phi được cho là sẽ tác động lớn đến ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới. Ở đó, vai trò của các tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi lớn trong nỗ lực bình ổn là hết sức quan trọng.
Để thực hiện được vai trò hạt nhân trong bình ổn ngành hàng thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi lớn cần tiếp tục rà soát tổng thể các giải pháp, trong đó, chú trọng thực hiện tốt giải pháp an toàn sinh học. Đồng thời giám sát chặt chẽ các khâu liên quan như nguyên liệu chế biến thức ăn, quy trình vận chuyển… và thúc đẩy tổ chức liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận, dịch tả lợn châu Phi có thể là cơ hội thúc đẩy sự phát triển cho chăn nuôi lớn. Sở dĩ vậy là bởi thời gian tới, khi dịch bệnh tạm lắng, thị trường sẽ ít nhiều khan hiếm thịt lợn. Nếu các DN có thể bảo vệ được đàn lợn giống, phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn cho tiêu dùng hiện nay, thì cơ hội chiếm lĩnh thị trường sẽ là rất lớn.
Thực tế, dịch tả lợn châu Phi có thể khiến thịt lợn cũng như các sản phẩm từ lợn từ các quốc gia chưa xuất hiện dịch, thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho sự phát triển về lâu dài của các DN chăn nuôi trong nước. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tập đoàn, DN, cơ sở chăn nuôi cần rà soát chặt chẽ các yếu tố để điều phối quy trình sản xuất một cách khoa học, tránh tình trạng “sốt” hàng và có thể dẫn tới nguy cơ thất bại thị trường ngay trên sân nhà.