Bình Phước: “Cần phải khởi tố vụ án phá rừng tại huyện Đồng Phú”

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật sư Nguyễn Quốc Doanh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị về vụ việc phá rừng xảy ra tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước mà báo chí đã đồng loạt phản ánh thời gian qua.

Tỉnh ủy chỉ đạo điều tra, xử nghiêm

Sau khi báo chí phản ánh vụ phá rừng tự nhiên tại khoảnh 7 tiểu khu (TK) 363 do Nông Lâm trường (NLT) Tân Lập thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su Bình Phước quản lý. Ngày 8/10, Tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn khẩn yêu cầu UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở NNPT-NT tỉnh, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cùng với Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Su Bình Phước báo cáo vụ phá rừng nêu trên.

 Số gỗ từ vụ phá rừng trái phép đang được lưu giữ tại Chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa – Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Công văn của Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng sau khi các cơ quan báo đài phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại địa điểm trên, nhưng các ngành chức năng liên quan vẫn chưa báo cáo cho Tỉnh ủy về vụ việc. “Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng trong vụ phá rừng nêu trên. Đối với Giám đốc Công an tỉnh phải khẩn trương chỉ đạo điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân liên quan”, trích công văn của Tỉnh ủy Bình Phước.

Trước đó ngày 19/7, kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú phát hiện vụ khai thác rừng trái phép tại địa điểm nêu trên. Qua kiểm tra, xác minh số lượng lâm sản bị thiệt hại tổng cộng 24 cây gỗ bị chặt hạ, trong đó có 13 cây đã bị lấy gỗ ra khỏi hiện trường với khối lượng 4,580 m3, 11 cây còn lại chưa kịp đưa đi có khối lượng 3,200 m3. Tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 7,780 m3.

Đến ngày 6/8, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú có báo cáo gửi UBND huyện Đồng Phú và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước. Tại báo cáo này, Hạt kiểm lâm cho rằng thời điểm rừng bị phá trước ngày phát hiện khoảng 1-2 ngày (tức phá vào ngày 17/7 và 18/7 - PV) và không xác định được người vi phạm. Các loại gỗ bị cưa hạ gồm: dái ngựa, trâm trắng, dẻ, lòng mang, chò chai (từ nhóm III – VIII). Sau đó lực lượng chức năng đưa số gỗ chưa kịp tẩu tán khỏi hiện trường vụ phá rừng để lưu giữ tại Chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa – Tân Lợi gồm: 22 lóng, khúc gỗ tròn có khối lượng 3,200 m3.

Tuy nhiên, theo báo chí phản ánh kề bên khu rừng có 24 cây bị cưa hạ nêu trên, là vườn điều mới khai hoang, vừa trồng mới, còn sờ sờ một số gốc cây cổ thụ (chu vi từ 2-8m) đã bị cưa hạ lấy gỗ, gốc cây vẫn còn tươi nguyên, nhưng không thấy lực lượng chức năng lập biên bản, xác nhận bị cưa hạ trái phép hay hợp pháp...

 Nhiều cây cổ thụ mới bị chặt hạ, gốc cây còn tươi nguyên.

Hạt kiểm lâm “khỏa lấp” trách nhiệm?

Tại báo cáo của Hạt kiểm lâm Đồng Phú cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ rừng là NLT Tân Lập thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su Bình Phước. Tuy nhiên, báo cáo này lại cho rằng vụ phá rừng trái phép nêu trên chỉ… vi phạm hành chính, không có dấu hiệu hình sự!

Trao đổi với phóng viên về vụ phá rừng nêu trên, Luật sư Nguyễn Quốc Doanh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định: “Trong báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú cho rằng không xác định được đối tượng phá rừng là nhằm “khỏa lấp” trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức liên quan đến khu rừng được giao quản lý, cụ thể là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước. Bởi lẽ với những gốc cây, theo báo chí phản ánh có chu vi lên tới 8m, để đưa ra khỏi rừng phải sử dụng phương tiện lớn để vận trên những tuyến đường đất đỏ độc đạo gần khu vực thì không thể nói các đơn vị, tổ chức được giao quản lý rừng lại không biết!”

Công văn của Tỉnh ủy Bình Phước

Luật sư Nguyễn Quốc Doanh cũng khẳng định: “Trong vụ phá rừng nêu trên, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú cho rằng chỉ vi phạm hành chính, không có dấu hiệu hình sự là hoàn toàn sai. Bởi lẽ từ năm 2016, tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải đóng cửa rừng. Đến tháng 10/2017, tại hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện, một lần nữa Thủ tướng ra lệnh tiếp tục đóng cửa rừng và phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ và phát triển rừng, không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm. Và mới đây vào ngày 8/8, tại hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, một lần nữa Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo kiên quyết phải đóng cửa rừng, không phá rừng để trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, bất chấp những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng…rừng ở Bình Phước vẫn bị chặt phá nghiêm trọng. Vì vậy, quan điểm của tôi là cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án để điều tra”.