Bình Phước: Không khởi tố vụ phá rừng tại huyện Đồng Phú!

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – lĐó à khẳng định của ông Lý Văn Việt, Phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Lý do không khởi tố vì số lượng gỗ bị triệt hạ chỉ có 7 m3.

Thiệt hại chỉ có 7 m3, nên không khởi tố!
Theo báo cáo số 118/BC-KL của Hạt kiểm lâm Đồng Phú do ông Lý Văn Việt ký ngày 1/11, để báo cáo tiến độ điều tra, xác minh vụ khai thác rừng trái phép tại khoảng 7 tiểu khu 363 Nông Lâm trường (NLT) Tân Lập thuộc Công ty TNHH MTV Cao Su Bình Phước, thể hiện: Từ ngày 9/10, Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với Công an huyện Đồng Phú tiến hành điều tra, xác minh truy tìm đối tượng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 363 NLT Tân Lập. Qua xác minh đã xác định được Nguyễn Đặng An (SN 1982, ngụ ấp Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) là đối tượng cưa hạ 24 cây rừng.
Ngày 29/10, tổ công tác phối hợp đã mời ông An đến Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú để làm việc. Qua làm việc ông An khai vào ngày 15/7, An rủ Luân (không rõ năm sinh, địa chỉ cư ngụ) vào khoảnh 7 tiểu khu 363 NLT Tân Lập để cắt dây thuốc ký ninh về bán kiếm tiền. Sau khi vào đến địa điểm nêu trên, An nảy sinh ý định cắt trộm cây rừng về làm chuồng bò, chuồng gà cho gia đình tại ấp Phước Tân nên nói Luân phụ cắt cây và vận chuyển về nhà thì sẽ trả công 2 triệu đồng, Luân đồng ý. Sau đó An chạy về nhà lấy cưa máy vào khu vực nêu trên cắt 24 cây gỗ rừng, chủng loại: Chò Chai, Ươi, Sấu, Giẻ, Giẻ Bộp, Trâm, Xoài, Lòng Mang, Mò Cua có tổng khối lượng 7 m3.
Sau khi cắt xong 24 cây gỗ rừng, An ra Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) thuê xe máy cày của 1 người (không rõ lai lịch) để chở gỗ về nhà. Trên đường đi, khi tới ngã ba Thạch Màng, An đã bán khoảng 4 m3 gỗ với giá 5 triệu đồng cho 1 người đàn ông (không rõ lai lịch).
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu được, xét thấy hành vi khai thác rừng trái phép của Nguyễn Đặng An không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” quy định tại điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhưng đã phạm vào điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Khu rừng trên được cho phép “hạ” vào tháng 3/2016
Ngày 31/10, tổ công tác phối hợp để lập biên bản vi phạm hành chính đối với An về hành vi khai thác rừng trái phép, đồng thời tạm giữ 1 máy cưa để xử lý theo quy định. Đối với các đối tượng Luân, người đàn ông chở thuê, người mua gỗ của An, hiện nay chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên tổ công tác tiếp tục điều tra, xác minh, truy tìm. Sau khi đã xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể sẽ đề xuất xử lý theo quy định.
Đại diện Công an huyện Đồng Phú cho rằng việc phá rừng tại khoảnh 7 tiểu khu 363 NLT Tân Lập thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước được Sở NN-PTNT cấp phép khai thác vào tháng 3/2016.
Liên quan đến vụ phá rừng trái phép trên trước đó vào ngày 12/10, UBND huyện Đồng Phú có công văn gửi một số cơ quan báo chí để cho rằng về nội dung, hình ảnh các gốc cây đã được khai thác tận dụng hợp pháp theo giấy phép của Sở NN-PTNT tỉnh cho phép tại quyết định 129/QĐ-SNN-LN ngày 14/3/2016 thuộc Dự án “cải tạo chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su”, đã thực hiện xong việc tận dụng lâm sản và khai hoang. Về đường kính của các gốc cây bị chặt hạ chỉ từ 16 cm - 44 cm. Về trách nhiệm của các cá nhân liên quan, UBND huyện Đồng Phú cũng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm kiểm tra, xác minh và xử lý trách nhiệm theo quy định.
Về số gỗ trong bài báo, đại diện Công an huyện Đồng Phú cho rằng khu rừng tại khoảnh 7 tiểu khu 363 nêu trên được Sở NN - PTNT tỉnh cấp phép cho khai thác vào tháng 3/2016, có hợp đồng giữa Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước với Công ty TNHH Hải Vương. Sau đó Công ty TNHH Hải Vương giao cho Công ty TNHH MTV Hồng Phúc khai thác tận thu. Đến tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, lúc này lâm sản đã khai thác chưa thu hồi hết nên thu hồi dần. Vụ việc (phá rừng) chỉ vi phạm ở mức hành chính, chưa đủ trách nhiệm hình sự vì khối lượng chỉ có 7 m3.

Đã kỷ luật kiểm lâm địa bàn và nhân viên bảo vệ rừng

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị: Khai thác rừng trái phép có phải là phá rừng? Có hay không việc “hạ nhiệt” để thoái thác trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng? Thủ tướng Chính đã ra lệnh đóng cửa rừng từ 2016, nhưng rừng vẫn bị phá. Điều này đồng nghĩa công tác bảo vệ rừng không thực hiện nghiêm chỉnh? Ông Lý

Ông Lý Văn Việt, Phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú cho rằng căn cứ vào 2 hành vi: khai thác rừng trái phép và phá rừng. Hành vi của An là khai thác rừng trái phép (tức không phá – PV). Về trách nhiệm của Kiểm lâm khi phát hiện đã làm việc với NLT Tân Lập và đơn vị này đã xử lý kỷ luật 3 nhân viên bảo vệ rừng cùng kiểm lâm địa bàn. “Vụ việc không khởi tố vì số cây bị cưa hạ là gỗ tạp. Theo quy định phải trên 20 m3 mới khởi tố, còn ở đây chỉ có 7 m3”, ông Việt khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần