Bình Phước: Nguyên Chánh Thanh tra tỉnh kháng cáo quyết định của tòa

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hơn 3 năm chờ tòa án đưa vụ kiện ra xét xử. Mới đây, ông Võ Văn Chương (SN 1950, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước) nhận quyết định của TAND thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho rằng ông Chương là người bị thi hành án… không có quyền khởi kiện!

Ngâm án hơn 3 năm, tòa trả lời không thuộc thẩm quyền!
Ngày 15/11, ông Võ Văn Chương (SN 1950, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước) cho biết đã nộp đơn kháng cáo “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” số 51/2018/QĐST-DS do thẩm phán Văn Phú Vinh, Phó Chánh án TAND thị xã Đồng Xoài ký ban hành vào ngày 5/11.
Ông Võ Văn Chương, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước kháng cáo quyết định của TAND thị xã Đồng Xoài về việc đình chỉ vụ kiện mà ông là nguyên đơn.
Nội dung quyết định số 51 cho rằng đơn của vợ chồng ông Chương khởi kiện Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Đồng Xoài để “Yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản” ghi ngày 30/6/2015, được TAND thị xã tiếp nhận vào ngày 1/7/2015, theo điều 102 của Luật THADS năm 2008 thì đương sự (bao gồm cả người phải thi hành án), chấp hành viên được quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản (ĐGTS). “Tuy nhiên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS số 64/2014/QH13 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đã sửa đổi quy định tại điều 102. Theo đó chỉ người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện tại tòa án. Do vợ chồng ông Võ Văn Chương nộp đơn kiện tại tòa vào ngày 1/7/2015 cũng là ngày Luật THADS số 64/2014/QH13 có hiệu lực. Vì vậy, việc khởi kiện của vợ chồng ông Chương thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 điều 192 và điểm g khoản 1 điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015”, quyết định của thẩm phán Văn Phú Vinh, nêu.
Trước quyết định 51 nêu trên, ông Võ Văn Chương khẳng định: “Quyết định của TAND thị xã áp dụng điểm đ khoản 1 điều 192 Bộ luật TTDS 2015 với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, để từ đó đình chỉ là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xác định thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án. Cụ thể tại quyết định số 51, thẩm phán Vinh viện dẫn điều 102 Luật THADS hiện hành để cho rằng chỉ người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện tại tòa án. Nhận thức của thẩm phán Vinh là sai với nội dung điều luật. Bởi lẽ việc bán ĐGTS của gia đình tôi bị Chi cục THADS thị xã Đồng Xoài và Công ty TNHH Dịch vụ bán ĐGTS và tư vấn miền Nam thực hiện vào ngày 18/6/2014. Tại thời điểm đó Luật THADS năm 2008 đang có hiệu lực. Theo điều 102 Luật THADS năm 2008, chúng tôi (đương sự) có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán ĐGTS”.
Đình chỉ giải quyết vụ án là trái quy định
Ông Võ Văn Chương cũng khẳng định vợ chồng ông nộp đơn khởi kiện Chi cục THADS thị xã Đồng Xoài vào ngày 28/5/2015. Thế nhưng tại quyết định số 51 nêu trên lại cho rằng đơn khởi kiện nộp vào ngày 1/7/2015 là không đúng. “Chúng tôi nộp đơn khởi kiện vào ngày 28/5/2015, sau đó TAND thị xã Đồng Xoài yêu cầu chúng tôi thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Đơn nộp ngày 1/7/2015 là đơn bổ sung theo yêu cầu của tòa án”, ông Chương bức xúc nói.
Luật sư Trần Thị Ánh thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định: “Thời gian bán ĐGTS của gia đình ông Chương vào tháng 6/2014, là thời điểm áp dụng Luật THADS số 26/2008/QH12. Và tại khoản 1 điều 102 Luật THADS số 26/2008/QH12, quy định: “Đương sự, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán ĐGTS. Có nghĩa ông Chương được quyền khởi kiện nếu có cơ sở cho rằng việc bán đấu giá vi phạm quy định về bán ĐGTS”.
Cũng theo luật sư Ánh, việc TAND thị xã Đồng Xoài nhận định ông Chương gửi đơn kiện ngày 1/7/2015 - là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS số 64/2014/QH13 có hiệu lực, để từ đó đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là trái quy định. Bởi lẽ khoản 1 điều 2 Luật này quy định: Đối với các việc thi hành án (THA) đã được thi hành xong trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà sau khi Luật này có hiệu lực đương sự còn khiếu nại thì phải áp dụng quy định của Luật THADS số 26/2008/QH12 để giải quyết.
“Cho dù ông Chương có nộp đơn khởi kiện sau ngày 1/7/2015 đi nữa thì tòa án buộc phải thụ lý giải quyết chứ không thể viện dẫn theo kiểu lập lờ. Ông Võ Văn Chương hoặc người có thẩm quyền cần kháng cáo, kháng nghị theo khoản 4 điều 218 Bộ luật TTDS năm 2015”, luật sư Ánh khẳng định.
Vì sao nguyên Chánh Thanh tra tỉnh… đi kiện?
Do gia đình ông Chương làm ăn thất bại, có nợ nên buộc phải THA số tiền 6.941.965.384 đồng. Tháng 1/2013, các tài sản của gia đình ông Chương tại số 1237 đường Phú Riềng Đỏ (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) được định giá 11.986.951.000 đồng, gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) diện tích 445m2 (3.059.520.000 đồng); giấy CNQSDĐ diện tích 1.639,1 m2 (6.995.724.000 đồng); căn nhà và vật kiến trúc (trong diện tích 1.639,1 m2 là 1.926.296.000 đồng).
Tháng 2/2013, Chi cục THADS Đồng Xoài ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ bán ĐGTS và tư vấn miền Nam (Công ty bán đấu giá miền Nam - PV) bán tài sản trên. “Vì tiền phải THA là 6.941.965.384 đồng, ngay từ đầu tôi đã yêu cầu đấu giá từng tài sản sẽ dễ dàng hơn, và chỉ cần bán diện tích 1.639,1 m2 cùng căn nhà, vật kiến trúc đã dư tiền trả. Thế nhưng, không hiểu vì động cơ gì Chi cục THADS Đồng Xoài đã cưỡng chế toàn bộ tài sản, gộp chung tất cả bất động sản để đấu giá một lần là 11.986.951.000 đồng. Vì số tiền khá cao, không ai đăng ký mua nên tài sản của gia đình tôi bị hạ giá đến 5 lần! Từ 11.986.951.000 đồng xuống 8.773.906.856 đồng, mất hơn 3 tỷ so với định giá thời điểm đó”, ông Chương bức xúc nói.
Đến ngày 18/6/2014, Công ty bán đấu giá miền Nam cùng Chi cục THADS Đồng Xoài bán đấu giá tất cả tài sản của gia đình ông Chương chỉ được 8.779.000.000 đồng (hơn 5 triệu đồng so với giá đưa ra bán – PV). Sau buổi bán đấu giá, do phát hiện một số vi phạm trong quá trình ban hành, niêm yết các thông báo bán đấu giá, nên ông Chương khiếu nại Chi cục THADS Đồng Xoài. Cụ thể: không gửi thông báo bán đấu giá cho đương sự theo quy định, chỉ đưa thông báo chuộc tài sản vào buổi chiều 17/6/2014 (bán đấu giá lúc 8h30 phút ngày 18/6/2014). Chưa kể ông Chương có nơi ở rõ ràng, nhưng Chi cục THADS Đồng Xoài làm trái khoản 1 điều 42 Luật THADS năm 2008. Sau đó Chi cục THADS tiến hành cưỡng chế nên ông Chương làm đơn khởi kiện.
Bên nào có lỗi phải bồi thường
Luật sư Ánh cũng phân tích tại điều 48 nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán ĐGTS, quy định về việc hủy kết quả bán ĐGTS trong một số trường hợp. Cụ thể: Do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán ĐGTS, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án (THA), thì còn phải có thỏa thuận của người phải THA; Hợp đồng bán ĐGTS, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị tòa án tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy theo quy định của pháp luật dân sự; Kết quả bán ĐGTS bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC và theo quy định tại khoản 3 điều 56 nghị định số 17.
“Trong trường hợp kết quả bán ĐGTS bị hủy theo quy định tại điều này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư Ánh cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần