Bình Phước: Trao giấy chứng nhận cho 35 nhà đầu tư với số vốn gần 2 tỷ USD

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/12, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và Lễ khánh thành tổ hợp nhà máy CPV Food, đồng thời trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức ngoại giao, tổ chức xúc tiến thương mại;... và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước có diện tích 6.877km2, với gần 1 triệu dân, có khoảng 600.000 người đang trong độ tuổi lao động. Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cầu nối giữa Đông Nam bộ với Tây nguyên, cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, nằm sát Bình Dương và cách TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn và năng động khoảng 80km.
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 7,51%, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao và đứng thứ 5/63 tỉnh, thành. GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), thu ngân sách ước đạt 10.700 tỷ đồng (đạt 156% so với chỉ tiêu Trung ương giao), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,840 tỷ USD (tăng 7,33% so với năm 2019).
Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 8.581 DN với vốn đăng ký kinh doanh 86.838 tỷ đồng. Trong năm 2020, có 1.230 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 19.900 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bình Phước có 272 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 2,718 tỷ USD. Trong năm 2020, thu hút được 36 dự án với số vốn đăng ký 432 triệu USD.
Tỉnh Bình Phước có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380ha. Trong đó, có 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Hiện nay, đang thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng các KCN, như: Minh Hưng III (577ha), Bắc Đồng Phú (317ha), Nam Đồng Phú (480ha), Minh Hưng - Sikico (1.000ha); Bổ sung thêm quy hoạch mới KCN và dân cư Đồng Phú (6.317ha) và 3 KCN ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300ha.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy CNĐKĐT cho 35 nhà đầu tư thực hiện 46 dự án đã và đang đầu tư với tổng vốn đăng ký 46.276 tỷ đồng (tương đương 1,998 tỷ USD), gồm các lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất, chế biến 26 dự án với số vốn 19.003 tỷ đồng (tương đương 823 triệu USD); Công nghiệp điện năng lượng tái tạo 3 dự án với số vốn 17.662 tỷ đồng (tương đương 763 triệu USD); Nông nghiệp 8 dự án với số vốn 4.969 tỷ đồng (tương đương 214 triệu USD); Thương mại, dịch vụ và hạ tầng CCN 9 dự án với số vốn 4.642 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD).
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo tỉnh Bình Phước chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận tài trợ vốn giữa các đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân và cộng đồng DN, nhà đầu tư tỉnh Bình Phước thời gian qua. 
Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư và phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Bình Phước cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Bình Phước cần chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt, cần tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ, các chính sách ưu đãi hiện hành của nhà nước...; Cần thực hiện tốt chuyển đổi số, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ thông minh để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa chiến lược và mang tính đột phá.
Thứ hai, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhất là quỹ đất công từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để quy hoạch mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới; Phát triển công nghiệp chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; Phải xây dựng liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng phát triển những thương hiệu gắn với địa phương; Phát triển thương mại, dịch vụ logistic; du lịch sinh thái, tâm linh...
Thứ ba, tỉnh Bình Phước cần có đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả bộ máy (cải thiện chỉ số cải cách hành chính - PAR, hiện tỉnh xếp thứ 37 năm 2019). Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vì năm 2019, tỉnh Bình Phước xếp vị trí 61/63 tỉnh, thành, thấp nhất trong các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Cần tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh (cải thiện chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2019 Bình Phước xếp vị trí 57, là xếp hạng thấp), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nhân, DN cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư thực chất; Những dự án đăng ký phải là dự án thật, loại bỏ các dự án ảo; Các DN được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư hôm nay phải khẩn trương hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh công tác thi công xây dựng, sớm đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 
“Chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội và cộng động, cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể chung tay giúp đỡ các gia đình có công, đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội. Đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; Tạo điều kiện cho bộ phận người dân địa phương “ly nông nhưng không ly hương”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chỉ đạo.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận tài trợ vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội với Công ty CP Phát triển Hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước; Ký kết giữa Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt (Hàn Quốc) với Công ty CP Thủy điện Thác Mơ trị giá 495 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy điện mặt trời.