Rõ trách nhiệm trong thẩm định công nghệ
Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB, bởi Nhà nước đã xác định KHCN là quốc sách hàng đầu, nhưng chỉ có ý nghĩa nếu nó được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng (đoàn Ninh Thuận) lo ngại trước thực trạng quản lý không chặt chẽ dẫn đến việc các tập đoàn lớn của nước ngoài lách luật để đưa công nghệ không phù hợp vào Việt Nam . ĐB cho rằng: Vấn đề quan trọng trong luật hiện nay phải quy định để làm sao Bộ KH&CN, những người quản lý khoa học can thiệp được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Bởi thực tế hiện nay, trong các dự án, hầu như cơ quan quản lý Nhà nước rất khó tiếp cận công nghệ của họ.
Lấy ví dụ từ thực trạng thay đổi công nghệ tại Formosa, vấn đề Boxit Tây Nguyên, ĐB Phan Xuân Dũng đánh giá Dự Luật chưa được như mong muốn. Các bên liên quan đến luật này vẫn phải ngồi lại với nhau để luật ra đời có thể bịt được kẽ hở, không để các công ty, tập đoàn lớn đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhận định: Dự Luật chưa quy định rõ về chuyển giao các loại công nghệ theo cấp bậc công nghệ. Bởi thực tế nhiều công nghệ nhập khẩu về nhưng khi kiểm nghiệm thì “chúng ta bó tay hết”, do sự lệch pha về công nghệ, chỉ nhập phần cứng trong khi phần mềm vận hành trong nước lại chưa theo kịp. Vì vậy, khi giá công nghệ chỉ một đồng thì cuối cùng lại phải bỏ ra rất nhiều tiền mua những thứ để vận hành máy móc. Do vậy, luật cần khắc phục điểm này và nên khuyến khích chuyển giao mà phải làm sao phát triển thị trường công nghệ. Cũng chỉ ra những bất cập và thiếu hiệu quả trong chuyển giao KHCN hiện nay, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng: Chính sách của Nhà nước còn chưa rõ nét, chưa đủ mạnh. Vì thế, từ Dự Luật phải chỉ ra được ưu tiên những ngành, lĩnh vực chủ chốt, mũi nhọn. Theo ĐB, cần tập trung nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn và phải có chích sách khuyến khích mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học làm việc ở lĩnh vực này. Đặc biệt, “từ kinh nghiệm Formosa , việc chuyển giao công nghệ cần cẩn trọng, không thể biến ta thành bãi rác. Phải có thẩm định về KHCN ở tất cả các dự án, ở tất cả các DN. Nhà nước phải tập trung quản lý, thắt lại các dự án đầu tư nước ngoài”.
Theo ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội), Dự Luật còn nhiều quy định mang tính chung chung. Muốn chuyển giao KHCN phải có cơ sở vật chất, cần phải hỗ trợ từ đầu những lĩnh vực cần đầu tư. Luật cần đưa ra chính sách cụ thể, ví dụ tại Hà Nội, nếu xây dựng hạ tầng thì được chọn địa điểm theo quy hoạch, nếu chuyển giao công nghệ phù hợp với Hà Nội được hỗ trợ vay vốn quỹ của Hà Nội; nếu không vay từ quỹ của Hà Nội thì được hỗ trợ lãi suất… Đồng thời, Dự Luật phải nêu rõ DN nào được hỗ trợ, nếu không cụ thể hóa thì chỉ DN lớn được hỗ trợ, trong khi DN nhỏ và vừa chiếm hơn 90% số lượng DN lại khó tiếp cận.
Các ĐB cũng cho rằng, Dự Luật cũng cần quy định chặt chẽ về thẩm định, trách nhiệm thẩm định công nghệ hiện vẫn rất sơ hở. Để làm được việc đó, phải quy định rất rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định nếu phát hiện thẩm định sai thì phải liên đới trách nhiệm, kể cả tính chuyện xử lý trách nhiệm hình sự, tránh tình trạng nhập thiết bị tỷ đô, gây lãng phí thất thoát cho Nhà nước.
Ngành đường sắt đang tụt hậu
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), các ĐB đều cho rằng, Bộ GTVT cần giúp Chính phủ làm rõ nguyên nhân ngành đường sắt đang tụt hậu, để báo cáo trước Quốc hội để sửa đổi luật này. Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng: Cần tách hoạt động kinh doanh đường sắt thành hai nhóm: Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Trong đó, Nhà nước nên nắm quyền chi phối thông qua vốn trong DN kinh doanh kết cấu hạ tầng để đảm bảo sự chủ động khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là quản lý đầu mối kết nối với đường sắt liên vận quốc tế.
ĐB Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội) nhận xét: Ngành đường sắt hiện “quá lạc hậu và trì trệ”. Đường sắt với hơn 3.100km hình thành từ cách đây hơn trăm năm, đến nay hầu như không phát triển. Đường sắt cũng không có sự kết nối với sân bay, cảng biển. Khổ đường sắt cũng vẫn đang lúng túng vì không rõ đầu tư thế nào vì hiện đường sắt 1m chạy đơn thì không thể tăng tốc được... Theo ĐB, Dự Luật đường sắt sửa đổi “cần làm rõ kinh doanh kết cấu hạ tầng với quản lý Nhà nước và phải tách bạch ra, phải có mô hình kinh doanh, phải giao cho DN…”. Dự Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp đường sắt để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, nhanh chóng của người dân.
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định chặt chẽ trong việc gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan Nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa các thủ tục.
Chiều 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Thời hạn miễn thuế được thực hiện từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020. Bốn Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn Ngày 11/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 15 - 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐB về 5 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của 5 bộ. Kết quả, 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Đây đều là những Bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ làm rõ vấn đề khi cần thiết. Như thường lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp và thời gian dành cho Thủ tướng cũng là một buổi như các Bộ trưởng khác. Trước khi trả lời trực tiếp, Thủ tướng sẽ có một các báo cáo chung về các vấn đề nổi lên qua các phiên chất vấn. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, một thay đổi đáng lưu ý tại kỳ họp này là các ĐB có thể giơ biển khi muốn tranh luận, hỏi đến cùng, đi tới cùng các nội dung để các thành viên Chính phủ phải làm rõ thêm, đảm bảo chất vấn sôi nổi, đi vào làm rõ vấn đề mà ĐB quan tâm. |