Trước đó, ngày 26/6, Bộ GTVT đã ra Quyết định số 2288 Phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến VTHK cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Một trong những nội dung chính của QĐ là bãi bỏ thủ tục Chấp thuận tuyến do các Sở GTVT thực hiện lâu nay, cho phép các DN làm việc trực tiếp với bến xe 2 đầu tuyến, xây dựng biểu đồ chạy xe, Sở GTVT chỉ làm công tác hậu kiểm; với những tuyến có nhu cầu khai thác cao sẽ đưa ra đấu thầu.
Lãnh đạo Sở GTVT, Công an TP Hà Nội cùng đại diện Bộ GTVT chủ trì Hội nghị.
|
Ngày 29/7, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 2102 gửi các DN và đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn Thủ đô về việc triển khai QĐ 2288 nêu trên. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ thủ tục Chấp thuận tuyến sẽ phá vỡ nhiều quy tắc, gây khó khăn cho việc quản lý hoạt động VTHK cố định liên tỉnh của các Sở GTVT.
Sáng 28/10, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về việc triển khai cụ thể QĐ 2288; Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Công an TP, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cùng nhiều DN khai thác VTHK và Bến xe trên địa bàn TP.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng việc bỏ thủ tục Chấp thuận tuyến là không hợp lý. Viện dẫn một trường hợp xảy ra vào năm 2007 tại chính DN mà mình quản lý là HTX Vận tải Thăng Long, ông Liên cho biết, DN của ông có liên kết với HTX Tiến Bộ (Thái Bình) mua một chiếc xe đăng ký khai thác tuyến Mỹ Đình - Thái Bình, thế nhưng chỉ sau 1 tháng, xe này tự ý chuyển về hoạt động trên tuyến Giáp Bát - Thái Bình.
Thời điểm đó cũng chưa có quy định phải xin Chấp thuận tuyến nên khi xe chuyển bến, Sở GTVT Hà Nội cũng như HTX Thăng Long không nắm được bất cứ thông tin gì, sau nhiều tháng mới biết xe đã đổi đầu bến.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc bãi bỏ Thủ tục Chấp thuận tuyến, các DN chỉ cần đăng ký với bến xe sẽ khiến các Sở GTVT như bị ngăn cách bởi “sương mù”, không nắm rõ hoạt động của các xe cũng như DN; hoặc nếu muốn biết sẽ phải tốn rất nhiều công sức, nhân lực mà chưa chắc đã kiểm soát được trọn vẹn.
Không những thế, bỏ Chấp thuận tuyến còn tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc phát triển mạnh hơn nữa, các xe đi sai lộ trình, không được cấp phép khai thác sẽ tha hồ tung hoành trên mọi tuyến VTHK mà lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.