Ảnh minh họa |
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương), trong năm 2019 tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã ghi nhận có 9.295 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 5.186 cuộc gọi, chiếm 55,79%.
Thống kê chi tiết cho thấy, trong số 5.186 cuộc gọi được trả lời, có 1.422 cuộc liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các cuộc gọi còn lại có nội dung tư vấn những lĩnh vực khác.
Trong đó, các cuộc gọi về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao là 34% tổng số khiếu nại. Nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người tiêu dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Xếp sau đó là nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao liên quan đến các nội dung về Giao kết hợp đồng chiếm tỷ lệ 20%; khiếu nại liên quan đến hành vi Cung cấp thông tin chiếm 17% tổng số khiếu nại. Nhóm hành vi liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng chiếm tỷ lệ cao tiếp theo là 14%.
Các hành vi này chủ yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo, giao hàng chậm, không giao hàng, bị hủy đơn hàng, trong đó, phần lớn giao dịch liên quan của người tiêu dùng được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc qua các trang mạng xã hội.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2019, các ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng bị khiếu nại nhiều nhất khi chiếm 41%. Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông với 19% và nhóm đồ điện tử gia dụng với tỷ lệ 7%.