Cụ thể, theo Bộ Công thương, giá giao dịch trên thị trường Singapore đối với xăng RON92 ngày 2/10 lên tới 92,5 USD/thùng, mức cao nhất từ tháng 11/2014 đến nay.
Cùng với giá xăng dầu thế giới, tỷ giá USD/VND thời gian qua tăng cũng ảnh hưởng tới giá bán lẻ trong nước. Tỷ giá USD/VND bán ra của Vietcombank bình quân trong 15 ngày qua ở mức bằng 23.379 VND (tăng 42 VND/USD).
Cùng với hai yếu tố trên, theo Công văn 12218 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng dầu mazut quý IV/2018 sẽ tăng từ 2,04% lên 2,47%. Dầu hỏa từ 0,14% tăng lên 0,17%. Thuế với dầu diesel từ 0,88% giảm xuống còn 0,55%.
Để giữ giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng phù hợp đã giúp giá xăng E5 RON92 hiện nay chỉ tăng 10,9% so với thời điểm cuối tháng 12/2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% so với thời điểm bắt đầu công bố giá cơ sở xăng RON95 vào ngày 23/4/2018.
Trong khi đó, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã tăng từ 28,98 đến 39,68% so với tháng 9/2017 và bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng từ 26,17 đến 38,1%.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9, liên bộ có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá. Mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít và 10 lần giữ ổn định giá.
Trước đó, từ ngày 7/7 đến 6/9, cơ quan điều hành giữ nguyên giá các mặt hàng xăng. Còn các mặt hàng dầu có sự tăng giảm nhẹ. Đến ngày 6/9, giá xăng tăng sau 2 tháng giữ nguyên, với mức 300 đồng/lít. Ở kỳ điều hành giá sau đó 15 ngày, giá xăng tiếp tục tăng 320 đồng/lít.
Sau 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã leo lên mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá bán lẻ 20.906 đồng/lít. Còn xăng RON95 đang ở mốc 22.347 đồng/lít; dầu diesel 18.611 đồng/lít.