Trong đó, tất cả các thị trường có FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA. Đơn cử, 3 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 8,25 tỷ USD, tăng 33,6%; sang Hàn Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 14,4%; sang Nhật Bản đạt 4,34 tỷ USD, tăng 36,9%; sang Ấn Độ đạt 1,57 tỷ USD, tăng 111%; sang ASEAN đạt 5,92 tỷ USD, tăng 19,2%; sang Nga đạt 543,5 triệu USD, tăng 30,6%...
Bên cạnh đó, số lượng các lô hàng xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế (tiêu chí thể hiện mức độ tận dụng FTA) cũng tăng mạnh. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền đã cấp 216.118 bộ C/O, trị giá hơn 10,6 tỷ USD, tăng 40% về trị giá và tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Công Thương khẳng định, so với các nước tham gia FTA với Việt Nam, tỷ lệ tận dụng ưu đãi nêu trên là khá cao. FTA đóng góp đáng kể cho XK.
Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc với việc nhiều FTA có hiệu lực, được ký kết hoặc tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng hơn. Do đó, để tận dụng hiệu quả các FTA đã và sẽ ký kết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về những ưu đãi và cách tận dụng ưu đãi FTA, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường nước ta đã có FTA. Tạo thuận lợi hơn nữa cho DN như: Rút ngắn thời gian cấp C/O; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng thí điểm cấp C/O qua mạng internet; triển khai, mở rộng áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho DN tham gia cơ chế này.