Bộ Công Thương: Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường không làm tăng biên chế

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trước đây, lực lượng QLTT có 63 đầu mối địa phương và 1 đầu mối ở Bộ Công Thương là 64. Tuy nhiên con số này sẽ dần giảm còn 38 đầu mối liên tỉnh.

Lễ bàn giao 28 Chi cục QLTT các tỉnh phía Bắc về Bộ Công Thương
Ngày 12/10 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chính thức đi vào hoạt động. Việc nâng cấp từ Cục lên Tổng cục, đồng thời các Chi cục QLTT địa phương được đưa về trực thuộc Bộ Công Thương khiến không ít người lo ngại biên chế của Bộ Công Thương sẽ tăng lên, đi trái với mục tiêu cắt giảm đầu mối quản lý.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vi phạm, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả ở nước ta ngày càng tăng lên. Vài năm trước, các vụ vi phạm này chỉ cục bộ ở địa phương nhưng những năm gần đây ngày càng diễn ra trên diện rộng, liên tỉnh, liên vùng. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng QLTT để quản lý tốt hơn.
Tuy nhiên, để Tổng cục QLTT được thực hiện theo mô hình mới thì phải sắp xếp, đưa các Chi cục QLTT đang ở địa phương về trực thuộc Bộ Công Thương. Như vậy, dù Bộ Công Thương tăng biên chế nhưng các địa phương lại giảm.
Bên cạnh đó, trước khi thành lập Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã giảm nhiều đầu mối QLTT và đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm 305 đội. Riêng trong năm 2019, kiện toàn 38 cơ quan QLTT cấp tỉnh thành 19 cơ quan QLTT liên tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Rà soát, sắp xếp 25 Cục QLTT cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT tinh gọn, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trước đây, lực lượng QLTT có 63 đầu mối địa phương và 1 đầu mối ở Bộ Công Thương là 64. Tuy nhiên, con số này sẽ dần giảm còn 38 đầu mối liên tỉnh. Số đầu mối giảm đi nên không có gì mâu thuẫn giữa việc thành lập Tổng cục QLTT với việc giảm đầu mối quản lý. Biên chế không những không tăng mà còn giảm.