Phát biểu trước báo giới sau khi đệ trình quốc hội dự thảo ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Victor Gaspar cho biết, với mức tăng thuế thu nhập lũy tiến trung bình 4%, đồng thời cắt giảm mạnh lương cũng như trợ cấp xã hội trong bối cảnh kinh tế được dự báo vẫn tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm thứ ba liên tiếp, dự thảo ngân sách 2013 được xem là văn bản tài khóa khắc nghiệt nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha.
Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar (trái) trình dự thảo ngân sách lên Chủ tịch Thượng viện, bà Assuncao Esteves ngày 15/10. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Chính phủ cho rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nói trên là cần thiết để Bồ Đào Nha có thể giảm mức nợ công và phục hồi sức khỏe nền tài chính.
Đề xuất tăng thuế của chính phủ tác động mạnh nhất đến tầng lớp trung lưu Bồ Đào Nha, theo đó những người có thu nhập khoảng 41.000 euro (53.000 USD)/năm sẽ phải đóng 45% thuế thu nhập kể từ ngày 1/1/2013, tăng so với mức 35,5% hiện nay. Thuế thu nhập của hầu hết người lao động sẽ là 28,5%, tăng so với mức 24,5% hiện nay.
Mặc dù chính phủ liên minh trung hữu của Thủ tướng Pedro Passos Coelho chiếm đa số tại Quốc hội và có thể sẽ thông qua gói các biện pháp khắc khổ trên, tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhất của Bồ Đào Nha sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, được dự báo sẽ tiếp tục giảm 1% trong năm tới với tỷ lệ thất nghiệp sẽ leo lên mức kỷ lục mới 16,4%.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập và người dân Bồ Đào Nha phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, cho rằng các biện pháp trên là "một quả bom nguyên tử" có thể tàn phá nền kinh tế nước này.
Tổng Liên đoàn lao động Bồ Đào Nha, công đoàn lớn nhất, đại diện cho khoảng 600.000 thành viên, đã kêu gọi cuộc tổng bãi công phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ vào ngày 14/11 tới.
Trước đó, ngày 29/9, hàng chục nghìn người Bồ Đào Nha đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Lisbon để tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng một tháng qua nhằm phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ.
Trong những tháng gần đây, hàng chục nghìn người biểu tình thuộc nhiều công đoàn trong cả nước đã liên tục tiến hành các cuộc biểu tình nhằm phản ứng với các đề xuất tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Tháng 5/2011, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu đã chấp nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro cho Bồ Đào Nha với điều kiện nước này thực hiện cải cách cơ cấu và cắt giảm ngân sách.
Ngày 16/10, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's đã hạ bậc đánh giá tín nhiệm tín dụng dài hạn của 11 ngân hàng Tây Ban Nha, đồng thời cân nhắc việc hạ bậc tín nhiệm của sáu ngân hàng khác. Trong số những ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm có BBVA, Sandander và CaixaBank.
Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công đang tác động tiêu cực không chỉ tới nhiều nước trong khu vực mà cả với các nước nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Hungary vẫn khẳng định mong muốn gia nhập khu vực đồng tiền chung này.
Trả lời câu hỏi của hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 14/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary, Andras Simor nói: "Không có câu hỏi nếu, mà chỉ là khi nào." Theo ông, Hungary cũng xác định sự cần thiết phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm của các nước khác khi gia nhập Eurozone.