Kinhtedothi - “Giả thiết bộ đề của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội được đem ứng dụng cho kỳ thi quốc gia, hợp nhất giữa kỳ thi tốt nghiệp và đại học (ĐH) liệu có khả thi?” - Đây là câu hỏi được nhiều bạn đọc gửi đến Báo Kinh tế & Đô thị, ngay khi đọc bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội trên chuyên mục Khách mời cuối tuần ngày 23/8.
Trưa nay (26/8), nhân việc các bạn đọc quan tâm đến nội dung này, chúng tôi đã có buổi trao đổi sâu hơn với PGS Nguyễn Kim Sơn về những khả năng có thể sử dụng được cũng như thuận lợi, khó khăn sẽ gặp phải.
Thưa ông, một bài thi tích hợp sâu mà ĐHQG công bố liệu có thỏa mãn được các mục tiêu của kỳ thi?
Dạng thức đề thi trắc nghiệm của ĐHQG hoàn toàn thỏa mãn rất nhiều mục tiêu của kỳ thi.
Thứ nhất, bài thi có độ phân dải khó - dễ rất rộng cho phép học sinh (HS) có học lực trung bình có thể làm bài tốt để đỗ tốt nghiệp. Tất nhiên, trong đề thi có những câu hỏi khó chỉ những HS xuất sắc mới làm được.
Thứ hai, bài thi được thiết kế bao gồm một nhánh Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên giúp cho các trường ĐH tùy theo nhu cầu của mình có thể đặt trọng số điểm nhiều hơn phần nào đó. Tức là, phiếu kết quả thi thể hiện rõ điểm thi của từng phần. Khi phần mền chấm thi hoàn thiện thậm chí có thể cho biết các thông tin chiều sâu về năng lực của thí sinh thông qua việc thí sinh đó giải quyết các phần của đề thi như thế nào. Chẳng hạn, hai thí sinh đều đạt 80 điểm nhưng phiếu kết quả thi ghi rõ người này làm được bao nhiêu câu khó, người kia làm được nhiều câu dễ. Và, người này làm được bao nhiêu điểm ở nhánh khoa học tự nhiên, người khác làm được bao nhiêu điểm nhánh khoa học xã hội. Cách làm này vừa toàn diện, cho biết các chỉ số chi tiết, tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn thí sinh.
Bộ đề thi được thiết kế như vậy, kích thích HS học một cách toàn diện. Và, 1 bài thi trong 1 buổi, thực hiện trên máy, kết quả có ngay, đáp ứng được yêu cầu giản tiện.
Thí sinh sẽ phải đóng mức phí như thế nào?
Việc này sẽ do những nhà làm chính sách tính toán. Nếu Quốc gia có nguồn ngân sách thì hỗ trợ, còn không mức phí bình thường. Tôi muốn nói rằng, với thí sinh, khi các em đăng ký và nộp hồ sơ qua mạng internet sẽ giảm bớt được một khâu. Việc tổ chức thi tại trung tâm tỉnh cũng giúp cho thí sinh và người nhà giảm bớt đi lại và chi phí dọc đường.
Với việc kỳ thi được tổ chức nhiều lần trong 1 năm, liệu thí sinh thi trượt lần này có thể tham gia lần sau?
Nếu HS muốn cải thiện điểm, hoặc lần trước các em thi để thử sức thì có thể được tạo điều kiện tham gia. Như thế sẽ giảm áp lực và người ta thấy nhẹ nhàng hơn.
Thưa PGS, nếu bộ đề thi của ĐHQG được sử dụng cho kỳ thi quốc gia, liệu năm tới có thể thực hiện được?
Nếu cần thiết có một năm chuẩn bị, thử nghiệm và có tính chuyển tiếp, thì có thể dùng bộ đề thi này tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp. Nếu thí sinh có kết quả thi đạt yêu cầu để xét tốt nghiệp thì không phải thi tốt nghiệp nữa. Tham gia kỳ thi tốt nghiệp sau đó chỉ còn một số ít những thí sinh vì lý do đặt biệt chưa đạt hoặc không có điều kiện tham gia kỳ thi trước. Đó là bước chuyển tiếp, còn sau đó sẽ là 1 kỳ thi dành cho tất cả HS tham gia.
Thi theo dạng đề tích hợp của ĐHQG, thí sinh có thuận lợi gì, thưa ông?
HS có thể làm quen với bộ đề thi này thông qua các đề mẫu được đưa lên mạng internet. Từ đây, các em biết được độ khó - dễ của đề, được thi thử, ôn luyện qua mạng. Như thế, sẽ giảm thiểu được việc tổ chức luyện thi phức tạp.
Được biết ĐHQG đã chuẩn bị được 4.000 câu hỏi. Trong trường hợp sử dụng cho số đông người thi, phạm vi rộng hơn chừng ấy câu hỏi ấy có đủ?
Sẽ phải tăng cường bổ sung thêm về số lượng câu hỏi. Tôi khẳng định, bộ đề chỉ là một phần rất quan trọng của kỳ thi tích hợp. Điều quan trọng nữa là các chính sách tuyển sinh. Hay nói cách khác quy chế về một kỳ thi tích hợp được quy định như thế nào.
Và, phần mềm tuyển sinh phải cho phép đủ độ thích ứng dùng cho số đông, có độ bảo mật và an toàn cao, hạ tầng CNTT được tăng cường. Nếu dùng trên diện rộng, các phòng thi chuẩn hóa ở cấp địa phương phải được thiết lập đủ. Tôi biết, hiện nay ở các trường phổ thông có rất nhiều máy tính nhưng việc quy thành cụm và hình thành các phòng thi chuẩn hóa thì cần thêm sự chuẩn bị.
Ngoài ra là sự chuẩn bị về nhân lực, đội ngũ những người huấn luyện để coi thi. Đương nhiên không cần số lượng lớn giám thị coi thi như trước đây.
Một điều rất quan trọng đó là hệ thống truyền thông quốc gia có sự chia sẻ, quảng bá, hướng dẫn người học, các thầy cô giáo và phụ huynh hiểu tường tận để tham gia.
Tôi muốn nhấn mạnh, mong muốn đánh giá của ĐHQG là phù hợp với thông lệ quốc tế. ĐHQG hướng đến cách tổ chức thi thuận tiện lại đánh giá được năng lực HS một cách khách quan, toàn diện. Đồng thời kích thích được việc học, đáp ứng nhiều tiêu chí. Nhưng, muốn được vận hành trong thực tế cần phải có sự ủng hộ và sự chuẩn bị từ phía các bộ, ngành.
Xin cảm ơn PGS!