Cần phải sàng lọc đầu vào
Ông có gì để chứng minh nhận định của mình là có lý?
- Trước đây, một GS người Việt công tác tại ĐH Tổng hợp Paris viết bài dẫn chứng: Năm 1868, Quốc hội nước Pháp thông qua chủ trương tuyển thẳng những người tốt nghiệp THPT vào học ĐH Tổng hợp là sai lầm vì đã bỏ qua khâu sàng lọc những người đi theo con đường khoa học. Chính phủ Pháp đã nhận ra điều đó, nhưng một thế kỷ sau không chữa được vì nó đã trở thành thói quen đối với nhiều người dân. Theo tôi, việc Bộ GD&ĐT cho phép những người tốt nghiệp THPT đủ điều kiện vào ĐH sẽ xảy ra tình trạng người có năng lực về mặt này nhưng lại thích ngành khác, học mấy năm không theo được bị loại. Như thế dẫn đến lãng phí đầu tư của Nhà nước phải bỏ tiền ra xây trường, trả lương cho thầy để đào tạo. Về phía sinh viên (SV) và gia đình các em ấy cũng bị lãng phí tiền bạc, nhất là mấy năm tuổi thanh xuân quý giá.
Trước đây, tôi từng dạy ở ĐH Tổng hợp Madagascar (dạy theo hệ thống giáo dục của Pháp) và thấy năm thứ nhất có 600 SV, đến năm hai, ba, tư bị rơi rụng dần chỉ còn 60 em tốt nghiệp. Điều này khẳng định cần phải có sàng lọc để chọn được người vào học ngành phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.
Nhưng những trường ĐH lớn của Pháp vẫn tuyển chọn đầu vào?
- Mặc dù nước Pháp tuyển thẳng những người tốt nghiệp THPT vào học ĐH Tổng hợp, nhưng một số trường quan trọng tuyển chọn đầu vào với yêu cầu rất cao. Để được theo học những trường ĐH, CĐ lớn như Giao thông, Sư phạm, Bách khoa, trước đó bạn phải có 2 năm học học dự bị, thi đạt thì mới được chuyển sang học ĐH, CĐ chính thức. Bởi đã có sàng lọc ngay từ ban đầu, nên SV tốt nghiệp những trường ấy khi tốt nghiệp đạt đến trình độ rất cao. Ở nước ta cũng có một số người từng theo học trường CĐ Sư phạm Paris như GS Lê Văn Thiêm, GS Ngô Bảo Châu…
Sàng lọc trong quá trình học = quá lãng phí
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bỏ điểm sàn, nhưng các trường vẫn phải quy định điểm nhận hồ sơ, công khai tỷ lệ việc làm của SV sau tốt nghiệp, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo?
- Đó là cách để người ta tô vẽ cho chủ trương của họ. Bộ làm sao có thể kiểm tra hết các trường công bố tỷ lệ SV ra trường có việc làm là chính xác? Rất có thể các trường nói khống lên để thu hút người ta đăng ký xét tuyển. Thực tế cho thấy, để mở ngành đào tạo thì trường phải đáp ứng các điều kiện, trong đó có yêu cầu cán bộ giảng dạy. Có những trường đã liên hệ với tôi để mượn danh, đứng tên. Họ đã từng gian dối như thế, việc nâng tỷ lệ SV có việc làm cao là điều rất dễ xảy ra.
Hơn nữa, Bộ không cần yêu cầu công khai tỷ lệ SV có việc hay kiểm định chất lượng đào tạo thì những trường uy tín cũng làm. Bộ nói thế này để là các trường tuyển được người tử tế vào học. Nhưng tôi cho rằng có khoảng hơn 10 trường top trên tuyển chọn nghiêm túc, còn 200 trường tuyển ào ào, cung cấp cho xã hội lượng trí thức lớn hơn gấp nhiều lần. Và như thế, sẽ gây ra hậu quả không tốt cho việc xây dựng và phát triển xã hội.
Mùa tuyển sinh năm 2015, 2016, Bộ GD&ĐT cho phép nhiều trường tuyển sinh dựa vào việc xét học bạ THPT. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định đã có rất nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng không học ĐH, chứng tỏ nhận thức chọn trường của các em đã thay đổi?
- Điều đó là đúng. Có những học sinh lớp 12 rất lo lắng cho tương lai, nên rất nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành mình có khả năng, trường uy tín nên không quan trọng có hay không điểm sàn. Nhưng số những em có học lực à uôm, không ý chí vươn lên, chỉ cốt vào học ĐH kiếm cái bằng lại rất đông.
Nhưng trong quá trình đào tạo, các trường sẽ tiếp tục sàng lọc?
- Trong quá trình đào tạo, SV không theo được bị gạt ra ngoài rất lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Ở Đức, người ta phân luồng học sinh từ bậc THCS, những em có đủ năng lực thì theo học lên THPT vào ĐH, số còn lại chuyển sang con đường học nghề. Và nếu trong quá trình học nghề, học tốt sẽ được chuyển qua thi vào ĐH, chứ không nhất thiết ở mãi một luồng, như thế sẽ hợp lý hơn.
Xin cảm ơn ông!